Hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các công trình có tính kết nối các vùng kinh tế, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, các cửa khẩu, các khu đô thị... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nút giao Quốc lộ 47 với đường giao thông ven biển, TP Sầm Sơn,
được đầu tư xây dựng, hoàn thành cuối tháng 4/2021.
Theo báo cáo của Sở GTVT, từ năm 2010 đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm, kết nối các khu vực đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phải kể đến các công trình, như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 217, đường Hồi Xuân - Tén Tằn (Quốc lộ 15C), đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh, Đại lộ Nam sông Mã, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa...
Đặc biệt, từ khi đưa vào khai thác hàng không dân dụng (tháng 2/2013) đến nay, lượng hành khách qua Cảng Hàng không Thọ Xuân liên tục tăng trưởng cao và năm sau tăng hơn năm trước (trung bình khoảng 15%/năm)... Đồng thời, tỉnh luôn khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các bến cảng trên địa bàn, nhất là cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Các tuyến đường thủy chính trên địa bàn tỉnh đã được quản lý, bảo trì và tăng năng lực vận tải đường thủy nội địa... Năm 2021, vốn xây dựng cơ bản được giao để đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh là 1.369,577 tỷ đồng (vốn Bộ GTVT quản lý 300,753 tỷ đồng, vốn UBND tỉnh quản lý 1.068,824 tỷ đồng) và đến hết tháng 7/2021 đã giải ngân 527,083 tỷ đồng, đạt 38,49%; trong đó, vốn UBND tỉnh quản lý giải ngân 460,112 tỷ đồng, đạt 43,05%; vốn Bộ GTVT quản lý giải ngân 66,971 tỷ đồng, đạt 22,3%.
Đối với tiến độ giải ngân của Sở GTVT đáp ứng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, Sở GTVT đã tham mưu báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đường từ Vạn Thiện đi Bến En; đã hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 506B, đường tỉnh 524; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, như: Dự án đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; dự án đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa và đoạn Hoằng Hóa - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Đồng thời, phối hợp với các ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án giao thông đang thi công trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ GTVT về phương án dự kiến đầu tư xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh. Sở GTVT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021, với kinh phí 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh phí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT còn thấp và mới đạt khoảng 30% so với nhu cầu; trong đó, chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư. Chính vì vậy, nhiệm vụ huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Sở tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; tập trung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các công trình, nhất là các công trình trọng điểm, cấp bách để đưa vào khai thác, sử dụng đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ công trình, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đi lại thuận lợi cho Nhân dân.
Đồng thời, tăng cường kêu gọi, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, nguồn vốn từ nước ngoài (tập trung vào nguồn vốn ODA). Bám sát phương án phát triển mạng lưới giao thông đường tỉnh trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực GTVT nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan của tỉnh, địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, định hướng phát triển GTVT của các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm đúng định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xác định các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, Sở GTVT đề nghị Trung ương, tỉnh tập trung vốn để đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách, có tính kết nối liên vùng, các trung tâm kinh kế, các khu công nghiệp, như: nguồn vốn của Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ; đường bộ cao tốc Bắc - Nam; nạo vét luồng ra, vào Cảng Nghi Sơn, nạo vét luồng Cảng Lạch Sung...; nguồn ngân sách tỉnh đầu tư các dự án đường bộ ven biển, đường từ trung tâm TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, đường Vạn Thiện đi Bến En...
Huy động các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn từ nước ngoài, nguồn lực từ phát triển quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường sau khi đầu tư xây dựng để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, vận động nguồn vốn từ các chương trình, dự án ODA và các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng GTVT lớn, trọng điểm, như: Nạo vét luồng ra, vào Cảng Nghi Sơn, Cảng Lạch Sung, các tuyến quốc lộ...
Huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư trực tiếp theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư và hoàn thành đầu tư các cảng tổng hợp và container tại Cảng Nghi Sơn; nâng cấp, mở rộng Cảng Lễ Môn; đầu tư xây dựng mới các cảng Quảng Châu, Quảng Nham, Lạch Sung; xây dựng các trung tâm logistics; kêu gọi đầu tư xây dựng các bến xe theo quy hoạch vùng huyện của các địa phương, trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ theo quy hoạch của Bộ GTVT.