Trong thời gian TP.HCM và nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cùng với các hình thức lưu thông hàng hóa thiết yếu khác thì ngành đường sắt cũng tham gia tích cực vào chuỗi vận chuyển hàng hóa.
Hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngành đường sắt chỉ tổ chức chạy duy nhất đôi tàu khách Thống Nhất SE7/SE8 chạy suốt giữa Hà Nội - TP.HCM.
Tận dụng toa hành lý để chở hàng
Cụ thể, đôi tàu này không thực hiện việc đón, trả khách tại một số tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 như các ga Hà Nội, Sài Gòn, Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa, Long Khánh (Đồng Nai), Tuy Hòa (Phú Yên), Ninh Hòa (Khánh Hòa) và Đà Nẵng.
Tuy vậy nhiều người dân đã lựa chọn việc gửi hàng hóa từ quê phía Bắc vào khu vực TP.HCM bằng tàu hỏa, vừa được tiết kiệm chi phí mà vẫn dùng được những thực phẩm tự nuôi trồng ngoài quê.
Anh Lê Hồng Sơn (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) nói: “Do khó mua được một số thực phẩm cần thiết nên tôi nhờ người thân ở quê gửi thực phẩm như thịt, cá, các loại đậu từ quê Hà Tĩnh bằng tàu hỏa vào Sài Gòn”.
Không chỉ anh Sơn mà các hội nhóm đồng hương của anh cũng chọn tàu hỏa để gửi hàng hóa, thực phẩm. Ai muốn nhận trực tiếp thì có thể ra ga lấy, còn nếu đảm bảo giãn cách muốn nhận tại nhà thì đơn vị vận chuyển sẽ hỗ trợ đặt shipper giao hàng tận nhà.
Một chuyến tàu hỗ trợ vận chuyển thiết bị y tế từ Hà Nội vào TP.HCM
để chống dịch. Ảnh: TN
PV liên hệ qua điện thoại phía đầu mối gửi hàng ở tỉnh Hà Tĩnh thì được biết họ nhận hàng gửi vào khu vực TP.HCM mỗi ngày, đặc biệt gần đây lượng hàng hóa luôn tăng cao. Chi phí gửi hàng dao động 150.000-200.000 đồng tùy theo kích thước của thùng hàng và chủ yếu là thực phẩm các loại.
Một vị đại diện ngành đường sắt phía Nam cho biết hiện tàu khách không đón khách tại ga Sài Gòn nhưng khoang hành lý trên tàu vẫn nhận hàng gửi vào TP.HCM. Theo đó trên tàu khách có toa hành lý, dù chỉ chở được khối lượng ít nhưng vẫn được tận dụng để chở hàng hóa. Với các hàng chở trên tàu khách thì người nhận có thể nhận hàng tại ga Sài Gòn nhưng nếu là gửi hàng ở tàu chuyên chở hàng thì chỉ có thể nhận tại ga Sóng Thần.
Vị này cho biết thêm đây là hoạt động bình thường của ngành đường sắt, người dân ở các tỉnh vẫn có thể gửi hàng hóa vào được với điều kiện tại ga đó tàu khách có dừng lại hay không. “Tuy nhiên cần lưu ý một số thực phẩm nhà ga không nhận chở vì sợ hư hỏng. Vì vậy trước khi gửi người dân nên tìm hiểu kỹ loại hàng hóa, thực phẩm nào mà tàu khách có thể vận chuyển”.
Tàu chở hàng đạt hơn 830 tỉ đồng/sáu tháng
Riêng về các chuyến tàu chuyên chở hàng, theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2021, ngành đường sắt đạt 18.601 số đoàn tàu, vận chuyển 2.880.596 tấn xếp, đạt doanh thu 835,6 tỉ đồng. Tổng số đoàn tàu vận chuyển hàng đã tăng 111,2% so với cùng kỳ năm 2020 và 107,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sóng Thần, cho biết lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu hàng từ phía Bắc vào Nam đang chuyển biến tốt. Tuy nhiên, ngược lại đối với lượng hàng hóa từ khu vực phía Nam vận chuyển ra thì còn yếu.
Cũng theo bà Yến, lượng hàng hóa đang vận chuyển chủ yếu là các loại hàng tiêu dùng nhưng lương thực, thực phẩm thì không nhiều, hàng nguyên toa hiện giờ không còn nhiều như trước. Nếu có loại hàng như thực phẩm cũng chủ yếu các loại thực phẩm khô như đậu phộng, mì tôm, gạo. Còn các loại như rau củ hay thực phẩm đông lạnh thì không nên gửi bằng tàu hàng vì dễ bị hư hỏng, bị biến đổi.
Bà Yến cũng cho biết những khó khăn khi vận chuyển trong mùa dịch, như việc các công ty vận chuyển phải đảm bảo các loại giấy tờ theo quy định. Vì thế một số đơn vị làm không có lợi nhuận, một số đơn vị phải đóng cửa không sản xuất. Ngoài ra, một số đơn vị bị phong tỏa cũng phải tạm ngưng sản xuất.
“Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ga Sóng Thần luôn cố gắng hoạt động để phục vụ người dân” - bà Yến nói.•