Mô hình được nhân rộng không chỉ giúp các cơ quan, tổ chức xây dựng mối quan hệ, trách nhiệm của chính quyền trong quản lý, giải quyết các vấn đề giao thông liên quan đến trẻ em mà còn từng bước nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng về các vấn đề ATGT đường bộ cho trẻ em, đồng thời lấy học sinh làm đối tượng tuyên truyền kiến thức ATGT để tác động trở lại với bạn bè, gia đình.
Dự án “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn” ban đầu được Ban ATGT tỉnh phối hợp với Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ Toàn cầu (trực thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Vệ An (thành phố Bắc Ninh) và Trường Tiểu học Việt Hùng (Quế Võ). Sau một năm triển khai mô hình, Ban ATGT tỉnh nhận thấy kết cấu hạ tầng từ nhà đến trường, từ trường về nhà của 2 trường đều được cải tạo, an toàn hơn; chất lượng công tác giáo dục ATGT và ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của phụ huynh và học sinh được nâng lên, va chạm và TNGT trước cổng trường cũng giảm hẳn.
Sau khi đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả, lợi ích mà mô hình mang lại, Ban ATGT tiếp tục khảo sát và triển khai nhân rộng mô hình “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn” trong toàn tỉnh, đến nay đã lên tới 60 trường. Những trường được chọn triển khai mô hình này đều nằm trên các tuyến giao thông phức tạp, lưu lượng tham gia giao thông đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Vì thế ngay khi các trường được lựa chọn, Ban ATGT tỉnh tiến hành cải tạo một số bất cập về hạ tầng giao thông xung quanh khu vực cổng trường, như lắp dải phân cách, sơn gờ giảm tốc, vạch sơn kẻ cho người đi bộ sang đường, lắp các biển báo, biển chỉ dẫn… đồng thời cung cấp hệ thống trang thiết bị giảng dạy ATGT hiện đại cho nhà trường. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác ATGT tại các trường học theo chuyên đề bằng giáo trình điện tử trực quan có hình ảnh, video minh họa. Nhờ đó, cán bộ, giáo viên của các nhà trường đều nắm rõ kiến thức về ATGT để áp dụng vào thực tế giảng dạy từ lý thuyết đến thực hành cho học sinh dễ nhớ, dễ hiểu.
Buổi học thực tế trên sa hình giao thông của học sinh Trường Tiểu học Đình Bảng (thị xã Từ Sơn).
Những kiến thức về ATGT được giáo viên gợi mở trong các buổi thảo luận, hay lồng ghép vào các tiểu phẩm, trò chơi đã thu hút đông đảo học sinh. Ngoài những kiến thức được học, được trao đổi, chia sẻ trong những giờ học trên lớp, các em còn được giáo viên trực tiếp hướng dẫn thực hành ở sa hình trên sân trường. Mô hình được áp dụng từ thực tế một ngã tư đường phố với cột đèn tín hiệu, vạch đường dành cho người đi bộ, vòng xuyến… đem lại cho các em trải nghiệm như đang đi trên đường. Nhờ đó mà cả giáo viên và học sinh đều hứng thú, tạo hiệu quả cao hơn.
Trong những lần đi kiểm tra hoạt động của mô hình tại các nhà trường, Ban ATGT tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo đều đánh giá rất cao công tác chỉ đạo, điều hành của Ban giám hiệu các nhà trường về công tác giáo dục ATGT. Không chỉ thành lập Ban chỉ đạo ATGT để chỉ đạo sát sao công tác giáo dục ATGT, nhà trường còn huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt ký cam kết thực hiện ATGT với cán bộ, giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh toàn trường.
Theo đánh giá của các trường được thụ hưởng thì nhờ có mô hình này mà ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của cán bộ, giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh được nâng lên thấy rõ. Tình trạng xếp xe dàn hàng ngang trước cổng đón con không còn, phụ huynh nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm qui định đội mũ bảo hiểu cho mình và cho con khi ngồi trên xe máy hay xe gắn máy. Bên cạnh đó, mô hình còn xây dựng mối quan hệ, trách nhiệm của chính quyền trong quản lý, giải quyết các vấn đề giao thông liên quan đến trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức chung trong cộng đồng về các vấn đề ATGT. Vì thế mong muốn của các trường là tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nhằm xây dựng, hình thành “Văn hoá giao thông” cho thanh, thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.