Theo báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 5.000 km đường trục xã, đường trục thôn, bản. Quy mô đầu tư xây dựng các tuyến đường này đều có chiều rộng nền đường phổ biến 4 m, chiều rộng mặt đường 3 m.
Với quy mô đó, trong giai đoạn 5 năm đầu, các tuyến đường đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng cao nên nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, đặc biệt ở các xã có mật độ dân cư đông, dẫn đến quy mô các tuyến đường đã xây dựng không còn phù hợp, không đủ chiều rộng cho 2 ô tô tránh nhau.
Thực hiện Nghị quyết số 22, hệ thống
đường giao thông nông thôn sẽ được mở rộng
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Do không tính tới sự gia tăng phương tiện nên các tuyến đường liên xã, liên thôn được đầu tư từ những năm trước không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Điều này không khó nhận thấy ở một số xã được xác định là vùng trọng điểm quế của huyện như Xuân Hòa, Xuân Thượng, Tân Dương… Mỗi vụ thu hoạch, các phương tiện vận chuyển lá quế phải “nhìn trước ngó sau” để tránh rơi vào tình huống “hai con dê qua cầu”. Dù đã cẩn thận, nhưng vẫn có nhiều trường hợp, lái xe phải lùi vài trăm mét để tìm chỗ đủ rộng cho xe tránh nhau.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trịnh Vân Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mường Khương cũng cho biết: Thời gian đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, việc đổ bê tông các tuyến đường giao thông nông thôn dù mặt đường rộng 3m đã giải quyết được “cơn khát” về giao thông, người dân không phải vất vả đi trên những tuyến đường đất trơn trượt mỗi khi trời mưa. Tuy nhiên, những tuyến đường bê tông này đang quá tải khi lượng phương tiện, nhất là xe ô tô cá nhân và xe vận tải ở khu vực nông thôn gia tăng, bỗng chốc trở thành bài toán khó cho địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường nông thôn.
Trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có hơn 300 km đường giao thông nông thôn được đổ bê tông, trong đó hơn 100 km do Cơ quan hợp tác quốc tế KOICA (Hàn Quốc) tài trợ. Điều đáng nói là các tuyến đường do KOICA tài trợ, cứ vài trăm mét lại có 1 điểm để ô tô tránh nhau. Rõ ràng, tổ chức này đã nhìn thấy rất xa sự phát triển về giao thông nông thôn, trong khi các tuyến đường được làm theo chương trình nông thôn mới cùng thời điểm hoặc sau đó không nhìn thấy, mà vẫn dập khuôn theo thiết kế từ trước.
Nhìn thấy sự lỗi thời này, UBND tỉnh đã có chủ trương, từ năm 2021 về sau, việc xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn phải theo quy mô chiều rộng nền đường từ 6 m trở lên, tại những vị trí vách đá cao, địa hình khó khăn có thể làm nền đường có chiều rộng 5,5 m để đảm bảo 2 xe ô tô tránh nhau thuận lợi. Đặc biệt, Nghị quyết số 22 ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành về cơ chế, chính sách xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích việc mở rộng nền đường.
Cụ thể, tại khoản 3, Điều 4 của Nghị quyết nêu: “Mức hỗ trợ để mở rộng nền đường đã có từ nền đường rộng 4m đạt cấp A-GTNT miền núi với chiều rộng nền đường 6m là 140 triệu đồng/km, nếu các xã có nhu cầu mở rộng nền đường hơn 6m thì hỗ trợ thêm 80 triệu đồng cho 1m chiều rộng tăng thêm”. Đây là sự thay đổi mang tính đột phá trong phát triển giao thông nông thôn của tỉnh và được các địa phương, người dân đồng thuận rất cao. Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên - Tô Ngọc Liễn cho rằng, sự thay đổi này rất kịp thời và phù hợp với yêu cầu thực tế, mở rộng giao thông chính là mở rộng huyết mạch kinh tế để phát triển.
Từ chủ trương của UBND tỉnh và những cơ chế, chính sách xây dựng đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh, những tuyến đường giao thông nông thôn sẽ không bị “bó hẹp”, lỗi thời mà sẽ đi trước một bước so với sự phát triển của khu vực nông thôn.