Nút giao phía Tây Nam thành phố mới đưa vào sử dụng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lê Ngọc Tuyển, thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập và hạn chế. Xác định phát triển hạ tầng giao thông là khâu quan trọng, tạo tiền đề phát triển KT- XH của tỉnh, những năm qua, ngành GTVT tập trung tối đa nguồn lực; xây dựng Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các giai đoạn. Từ những định hướng trên và quan điểm “hạ tầng đi trước một bước”, hơn 20 năm tái lập, nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp. Các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đến trung tâm huyện, thị xã được mở rộng, cải tạo, nâng cấp thành đường đôi có dải phân cách cứng; nhiều tuyến đường đến các KCN được mở mới, qua đó thu hút đầu tư và nâng cao hình ảnh của tỉnh đến với các nhà đầu tư.
Nhờ tranh thủ và khai thác tối đa các nguồn lực, biết động viên, sử dụng sức dân để xây dựng, phát triển và quản lý, kết cấu hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến việc phát triển hệ thống đường giao thông từ tỉnh đến giao thông nông thôn. Đến nay, hệ thống cơ sở giao thông trên địa bàn tỉnh đang được nâng cấp, bổ sung mới ngày càng hoàn thiện, giao thông nông thôn ở các thị trấn, xã trung tâm các huyện dần tiệm cận tiêu chí giao thông đô thị.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với hơn 3.700 km đường bộ, gồm: gần 130km quốc lộ, 270km tỉnh lộ, còn lại là đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng; hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng tiệm cận tiêu chí giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển... Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Hồ, Cầu Bình Than, nút giao QL18 với KCN Yên Phong, Nút giao thông phía Tây Nam thành phố… Nhờ có hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại cơ bản đồng bộ, thông suốt đã đưa hệ thống giao thông của Bắc Ninh hòa mình nhanh chóng vào dòng chảy giao thông khu vực, giao thông quốc gia.
Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh giúp công tác vận tải phát triển thuận lợi với hàng chục nghìn xe taxi, vận tải khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hóa; các tuyến xe buýt nội tỉnh vươn đến khắp các xã, thị trấn xóa nhòa khoảng cách, góp phần thúc đẩy giao thương, giao lưu, du lịch, tạo đà xây dựng nông thôn mới. Thực hiện mục tiêu giảm thiểu TNGT cả 3 tiêu chí (giảm về số vụ tai nạn số người chết và số người bị thương), bên cạnh việc phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, ngành GTVT triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt như tập trung xoá các “điểm đen” về TNGT, đầu tư hệ thống biển báo giao thông; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện, kiểm soát chặt chẽ phương tiện, giám sát, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe… Nhờ đó, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh luôn giữ vững sự ổn định, số vụ TNGT luôn có xu hướng giảm.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh đang trở thành địa phương trọng điểm công nghiệp tập trung và đang tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để phù hợp tình hình mới, ngành GTVT tiếp tục đầu tư, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện có, phát triển các loại hình giao thông công cộng theo hướng thông minh để đáp ứng nhu cầu đi lại, hạn chế phương tiện cá nhân và bảo đảm sự phát triển bền vững. Trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như: cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành; phối hợp tỉnh Hải Dương chuẩn bị các bước triển khai đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng; phối hợp thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên nghiên cứu đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… Chú trọng quản lý, bảo trì công trình, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kiểm tra rà soát hệ thống ATGT; giám sát kiểm tra các hoạt động vận tải; quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện; phấn đấu giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí...
Cùng với đó, ngành chú trọng triển khai thực hiện các nội dung trong Quy hoạch GTVT giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng và triển khai hợp phần Trung tâm điều hành quản lý giao thông thông minh theo hướng quản lý giao thông tích hợp trong xây dựng Thành phố thông minh. Triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cảng thủy nội địa, cảng logistic; mở rộng các tuyến vận tải công cộng, vận tải khách… theo hướng tăng cường khả năng kết nối vùng với thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tĩnh theo hướng thông minh tại các địa phương… nhằm cải thiện hiệu quả mạng lưới đường bộ, sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại.