Nhờ vậy, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển đồng bộ; các công trình, tuyến đường được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ đời sống nhân dân.
Công nhân Công ty TNHH Đại Phong Điện Biên nâng cấp, cải tạo mặt đường
tuyến QL 4H đoạn qua xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé.
Để phát triển kinh tế thì giao thông luôn phải đi trước một bước. Những năm qua tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên đã dành trên 3.300 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Từ nguồn vốn trên, nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông nông thôn được đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng. Riêng giai đoạn 2008 - 2021, tổng số đường giao thông nông thôn (đường huyện, xã, thôn xóm) được đầu tư xây dựng mới hơn 1.844km; nâng cấp, cải tạo hơn 3.048km. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có hơn 8.757km đường giao thông các loại. Trong đó, có 6 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ, với tổng chiều dài gần 830km; đường huyện có tổng chiều dài hơn 1.161km; đường xã với chiều dài hơn 2.859km; đường thôn, xóm trên 2.395km và đường trục chính nội đồng hơn 1.511km.
Điển hình, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt dự án đầu tư, mở mới tuyến giao thông trọng điểm: Na Sang - Trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí). Dự án có tổng chiều dài gần 50km, quy mô đường cấp V miền núi, tổng mức đầu tư là 690 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng góp phần kết nối trung tâm các huyện Mường Chà, Tủa Chùa và các xã vùng sâu, vùng cao mới thành lập. Trước khi chưa đầu tư tuyến đường này, người dân 2 huyện, đặc biệt người dân các xã: Na Sang, Nậm Nèn, Huổi Mí, Nậm Mức (huyện Mường Chà) và thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa), gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa. Còn hiện nay tuyến đường đã kết nối trung tâm huyện Tủa Chùa, xã Huổi Mí với quốc lộ 6, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Mường Chà, Tủa Chùa
Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12, cũng là một trong số những dự án trọng điểm. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư cuối 2020, với tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn cân đối ngân sách địa phương. Tổng chiều dài các tuyến đường cần đầu tư xây dựng khoảng 35,74km. Trong đó, phần tuyến đường trong phạm vi nội thị TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên khoảng 4,99km, với 6 đoạn tuyến, gồm: Đầu tư xây dựng mới đoạn tuyến Trần Văn Thọ kéo dài để kết nối trung tâm thành phố với đường Thanh Minh - đồi Độc Lập; đoạn tuyến 30m đường phố khu vực Khu trung tâm thương mại dịch vụ, văn hóa thuộc khu đô thị mới phía Đông, TP. Điện Biên Phủ; đoạn tuyến 25m từ cầu sông Nậm Rốm đến khu dân cư mới Bom La... Phần các tuyến đường ngoài đô thị được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài khoảng 30,75km, gồm: Đoạn tuyến chính từ quốc lộ 12 (Km190+450 nối tiếp với đường Thanh Minh - Độc Lập) - quốc lộ 279 (Km93+600 thuộc địa phận xã Pom Lót, huyện Điện Biên); đoạn tuyến nhánh từ trung tâm huyện Điện Biên - Khu đô thị mới phía Đông, TP. Điện Biên Phủ...
Ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Thời gian thực hiện Dự án là 2020 - 2024. Hiện nay, Dự án đang trong quá trình thực hiện. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa khu vực kinh tế của huyện Điện Biên với đô thị phía Đông TP. Điện Biên Phủ, hình thành khu đô thị trọng điểm; tạo liên kết vùng, qua đó sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, du lịch của khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12. Từ đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào tỉnh.
Theo Quyết định 44/QĐ-UBND ngày 4/2/2012 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là giao thông đường bộ. Nâng cấp đồng bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V. Nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 70% đường xã, gắn với việc xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại, tổng kinh phí gần 52.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay vẫn là nguồn lực. Theo dự kiến ban đầu sẽ cần đến hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện đầu tư, nâng cấp, cải tạo các dự án theo quy hoạch. Để có nguồn lực thực hiện cần phát huy tốt nội lực, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương cho giao thông; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư từ nhiều nguồn vốn hợp pháp dưới nhiều hình thức khác nhau.