Khó thay thế công nhân bốc xếp hàng
Thông tin tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xuất nhập khẩu tại các cảng biển trong thời gian dịch Covid-19 trong ngày hôm nay với Cục Hàng hải VN, ông Tăng Viết Hùng, Phó PGĐ Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng cho biết, ở khu vực ĐBSCL, hiện cảng Tân Cảng Thốt Nốt có năng lực đóng gạo từ 35 - 50 container/ngày.
Tuy nhiên, hiện cảng này chỉ được khai thác phục vụ xuất nhập hàng hóa, hoạt động đóng gạo bị tạm dừng do phải thực hiện “3 tại chỗ” và Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ yêu cầu ký cam kết cách ly biệt lập với bên ngoài.
Nhiều cảng biển tại ĐBSCL bị hạn chế hoạt động đóng gạo vào container, ảnh hưởng đến
con đường "xuất ngoại" của mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong mùa dịch - Ảnh minh họa
Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ) cũng là một trong những bến cảng cung cấp dịch vụ đóng gạo vào container xuất khẩu với năng suất đóng từ 10 - 15 container/ngày. Tuy nhiên, lãnh đạo cảng này cho biết, do thời gian thực hiện “3 tại chỗ” theo yêu cầu của thành phố tại cảng đã kéo dài gần 2 tháng, một số công nhân bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến lực lượng lao động tại cảng “thui chột” dần. Việc duy trì hoạt động cảng ngày càng khó do quy trình đóng hàng rời đòi hỏi số lượng nhân công lớn.
"Trong bối cảnh cơ sở cảng đóng gạo tại TP.HCM hạn chế, phương án của DN là đưa hàng gạo xuất khẩu về đóng tại cảng biển khu vực ĐBSCL.Tuy vậy, hiện nay, mỗi tỉnh đều có chính sách phòng dịch riêng, quá trình vận chuyển hàng gạo từ cảng địa phương đi xuất khẩu gặp vô vàn khó khăn. Đơn cử tại An Giang ngày hôm qua (27/8), sà lan còn bị giới hạn khung giờ lưu thông, địa phương chỉ cho lưu thông đến 6h tối", ông Thái Vinh, Trưởng phòng XNK Công ty Tín Thương cho biết.
Theo một lãnh đạo cảng Lương thực sông Hậu, đơn vị này cũng đang đứng trước nguy cơ “đóng cửa” do từ ngày 22/7 đến nay, cảng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, công nhân bốc xếp không được thay thế. Đến nay, thời gian làm việc kéo dài nên 30 công nhân đã xin về hết.
“Để tháo gỡ khó khăn về nguồn lao động, cảng đã xin BQL khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho lực lượng công nhân khác nằm ở trong vùng xanh vào thay thế với cam kết khai báo y tế hàng ngày, giấy xét nghiệm Covid-19 nhưng không được đồng ý”, vị này thông tin.
Một số DN cảng tại Cần Thơ cũng bày tỏ bức xúc khi đề xuất thực hiện phương án “một cung đường, hai điểm đến” với cam kết thực hiện đầy đủ quy định về xét nghiệm dịch bệnh, song đều bị BQL khu chế xuất tại Cần Thơ từ chối.
Nhu cầu lớn, cơ sở đóng hàng “thui chột”
Ông Ngô Quang Hưng, Phó giám đốc cảng vụ hàng hải (CVHH) TP.HCM cho biết, khu vực TP.HCM hiện có các bến cảng phục vụ đóng và xuất nhập khẩu gạo như: bến 125 thuộc Tân Cảng Cát Lái, bến cảng SP-ITC.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số cảng chưa duy trì được sản xuất 3 tại chỗ hoặc có công nhân là F0, F1 nên hiện TP.HCM chỉ còn hai bến hoạt động đóng gạo là: bến cảng 125 với công suất 35 - 50 container/ngày và bến cảng SP-ITC với công suất 20 - 30 container/ngày (tùy tình hình thời tiết).
Việc đi lại khó khăn của công nhân trong mùa dịch cũng là yếu tố tác động tiêu cực
đến chuỗi xuất khẩu mặt hàng gạo ở thời điểm hiện tại - Ảnh minh họa
Để ứng phó với khó khăn, nhiều chủ hàng nhỏ đã tính phương án gom hàng và cùng thuê tàu nhỏ vận chuyển xuất hàng gạo đi nội Á (Philippines, Indonesia…).
Song, khó khăn lớn nhất là lực lượng công nhân bốc xếp đang bị hao hụt nghiêm trọng do hạn chế đi lại từ nơi ở đến bến bốc xếp, sang mạn.
“Để giải quyết tình trạng này, CVHH TP.HCM đã liên hệ và đề nghị với một số đơn vị bốc xếp thực hiện phương án “một cung đường, hai điểm đến”, tập hợp công nhân tại một khu vực, đảm bảo đầy đủ quy định về xét nghiệm Covid-19, khai báo y tế để được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, hiện, các đơn vị vẫn chưa thể thực hiện do chưa tìm được địa điểm quản lý công nhân tập trung và cũng chưa thuyết phục được công nhân đi làm”, ông Hưng nói và cho biết, vướng mắc về lực lượng bốc xếp dẫn đến có trường hợp tàu phải đợi đến 2 tháng mới xếp được đầy gạo để vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, TGĐ Công ty CP Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp), một tháng trung bình Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, cao điểm có lúc đến 800.000 tấn. Như vậy, mỗi ngày nhu cầu đóng hàng gạo xuất đi là 330 container, một tháng là 10.000 container và 20 tàu vận chuyển/tháng.
“Việt Nam có hơn 200 DN xuất khẩu gạo, chủ yếu nằm ở khu vực ĐBSCL, một DN có thể đóng vài trăm container/tuần. Trong khi đó, tại khu vực TP.HCM chỉ có bến 125 Cát Lái và SP-ITC với năng lực đáp ứng chưa đến 100 container/ngày.
Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức chức năng cần sớm ưu tiên tiêm vaccine và tạo điều kiện di chuyển cho lực lượng công nhân cảng để hoạt động tại các cảng phục vụ đóng gạo xuất khẩu được duy trì, đáp ứng nhu cầu của chủ hàng”, ông Việt Anh nói.
Lãnh đạo Cục Hàng hải đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn trong
chính sách kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho việc đóng/xuất khẩu hàng hóa
được thuận lợi hơn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ - Ảnh minh họa
Cần thống nhất chính sách kiểm soát dịch để thông suốt hàng hóa
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, việc xuất khẩu gạo của DN Việt Nam đang được thực hiện với 3 hình thức chính: đóng hàng vào container tại nhà máy/cảng địa phương rồi vận chuyển lên cảng TP.HCM; Đưa gạo lên đóng container tại các bến cảng và sang mạn qua tàu chở gạo (đối với hàng không phải đóng container).
Quá trình đóng gạo vào container đòi hỏi một lực lượng lao động lớn do mức độ cơ giới hóa trong khai thác mặt hàng rời này còn thấp.
Theo ông Giang, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 và đề nghị các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ các quy định phòng dịch trái với chỉ đạo của Chính phủ.
“Các địa phương cần tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa lưu thông và có những chính sách kiểm soát phù hợp để lực lượng công nhân cảng biển, đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, kiểm soát dịch bệnh những không làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa”, ông Giang nói.
Ông Hoàng Hồng Giang cũng đề nghị các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương khu vực ĐBSCL xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp để thu hút hãng tàu đưa container về cảng địa phương.
Giải pháp này sẽ tăng sự chủ động và tối ưu chi phí đóng/xuất hàng hóa cho chủ hàng khu vực trong thời gian diễn biến dịch bệnh.
Lãnh đạo Cục Hàng hải cũng đề nghị các DN, chủ hàng sản xuất gạo tính toán kế hoạch vận tải xuất khẩu hàng hóa sớm; cố gắng kéo container rỗng về nhà máy đóng hàng; Bố trí lực lượng công nhân 3 tại chỗ đảm bảo an toàn.