Thi công cầu Mỹ Thuận 2
Liên quan tình hình triển khai thi công, dự án có 5 gói thầu xây lắp, hiện đang tổ chức thi công 4 gói. Còn lại gói XL3B (trụ tháp, dầm dây văng), Ban QLDA 7 đã ký hợp đồng với nhà thầu trong tháng 8/2021, dự kiến triển khai xây dựng vào tháng 11/2021 sau khi gói thầu XL3A cơ bản hoàn thành.
"Sản lượng thi công của dự án đạt khoảng 62,7%, vượt hơn 3% so với kế hoạch đề ra. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 7 tiếp tục phát huy, kiểm soát chặt chẽ tiến độ đã cam kết của các nhà thầu để đảm bảo tiến độ dự án”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án có tổng chiều dài 6,61km đi qua địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, thực hiện theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỷ đồng.
Về quy mô xây dựng, phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 4,7km, tốc độ thiết kế 100km/h, giai đoạn trước mắt phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m.
Phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài gần 2km được đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cầu 25m, nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m, nhịp dẫn kết cầu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m.
Dự án cầu Mỹ Thuận khởi công vào cuối tháng 2/2020, dự kiến hoàn thành toàn bộ công tác thi công trong năm 2023.
Cầu Mỹ Thuận 2 thi công song song với Cầu Mỹ Thuận hiện hữu.
Ông Đinh Công Minh, Phó Giám đốc BQLDA 7 cho biết, Ban đã chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với gói thầu XL03A thi công đường găng phục vụ vận chuyển máy móc, vật liệu vào dự án. Ngoài ra, đã có các văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng theo phương pháp bù trực tiếp hoặc tách riêng hạng mục công việc có sử dụng vật liệu thép để áp dụng công thức điều chỉnh riêng.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được Quốc hội, Chính phủ giám sát chặt chẽ công tác giải phóng mặt bằng và gỡ vướng nguồn cung vật liệu. Bộ GTVT đã đề nghị 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long sớm hỗ trợ giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, siết chặt quản lý giá vật liệu để các nhà thầu đảm bảo tiến độ thi công, cũng như sớm hoàn thành khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Hy vọng, những vướng mắc của dự án hiện nay sẽ sớm được tháo gỡ, cán đích đúng hẹn theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra.
Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ kết nối xuyên suốt với 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, để khép kín tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ; tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và tuyến QL1A.
PV