Về đích sớm nhờ lòng dân đồng thuận
Chưa hết tháng 9, Yên Sơn đã hoàn thành 61,51 km đường bê tông nông thôn và đường giao thông nội đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, gần 39 km đường thôn và trên 22 km đường nội đồng. Những tuyến đường thôn, đường nội đồng được mở rộng, thuận tiện hơn cho việc đi lại, giao thương của người dân.
Không mấy người ở Yên Sở, Phúc Ninh tưởng tượng được, có một ngày, con đường lên núi Đồi Vầu, Tràn Lầy lại thuận tiện đến thế. Vùng đồi này trước đây bà con chỉ tận dụng để trồng mía, trồng cỏ cho đàn gia súc… Mà cũng chỉ một vài nhà “đủ dũng cảm” vượt đường, vượt núi lên trồng. Con đường mòn bùn lầy, lại nằm xa khu dân cư, nên dù cả khu vực đất sản xuất trù phú, phù hợp với quy hoạch phát triển cây ăn quả của xã, nhưng người dân tính toán, có được mùa bội thu thì số tiền thuê người đến làm, vận chuyển vật tư phân bón, nông sản về cũng gấp nhiều lần số tiền bán sản phẩm.
Lãnh đạo xã Phúc Ninh (Yên Sơn) kiểm tra
tuyến đường giao thông nội đồng vừa hoàn thành tại thôn Yên Sở
Những năm trước, một đoạn đường bê tông chiều dài gần 500 mét đã được người dân đóng góp ngày công hoàn thành theo Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn của tỉnh. Vùng đất đồi bỏ hoang ngày nào, giờ được đánh thức bởi màu xanh của na, cam và bưởi. Năm 2021, Yên Sở tiếp tục đăng ký hoàn thành thêm 520 mét đường, chiều rộng 3,5 mét, nối từ trung tâm thôn đến từng chân vườn. Nhìn từ trên cao, con đường mới hoàn thành đẹp đẽ, phẳng phiu như một dải lụa vắt ngang núi. Trưởng thôn Yên Sở Nguyễn Trung Kiên cho biết, bà con phấn khởi lắm. Vụ na vừa rồi, xe công nông, xe tải nhỏ nối đuôi nhau đến tận chân đồi thu hoạch, vận chuyển quả về nhà. Mỗi nhà chỉ đóng góp hơn 2 triệu đồng mà được con đường mơ ước như vậy, chẳng ai so đo gì. Đất vào đến nhà ai nhà nấy tự nguyện hiến để mở rộng đường.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Nguyễn Mạnh Hà, những tuyến đường giao thông được bê tông, cứng hóa đã góp phần hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả ở Phúc Ninh. Xã hiện có hơn 1.500 ha cây ăn quả, tập trung là bưởi, cam và na. Trong năm 2021, các thôn Quang Thắng, Soi Tiên, Éo, Yên Sở, Ao Dăm… đã hoàn thành hơn 2.000 mét đường bê tông. Hiện một số thôn đã tiếp tục đăng ký thêm hơn 1.000 mét trong năm nay.
Không chỉ ở Yên Sơn, những thành quả người dân được thụ hưởng từ các Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường bê tông nội đồng… những năm trước đã giúp việc đăng ký, hoàn thành các tuyến đường theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh năm nay thuận lợi hơn rất nhiều.
Xã Tân An (Chiêm Hóa) cũng đã thi công 1.660 mét đường bê tông nội đồng tại thôn Tân Bình, An Khang, An Phú và thôn Tân Cường. Bên cạnh đó, các thôn Tân Hoa, Tân Hội và An Thái đã triển khai làm trên 1.200 mét đường bê tông trục chính nội đồng. Anh Dương Văn Hoạch, Trưởng thôn Tân Cường cho biết, trên cơ sở đồng thuận và sự ủng hộ, nhất trí cao, hiện nay tuyến đường bê tông nội đồng dài 600 mét đang được bà con nhân dân thôn Tân Cường tích cực chung sức làm đường. Cùng với việc Nhà nước hỗ trợ xi măng thì bà con trong thôn tích cực đóng góp ngày công lao động, vật liệu để thực hiện. Tuyến đường nội đồng này hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trước vụ thu hoạch lúa mùa đã phục vụ đắc lực cho việc thu hoạch, vận chuyển thóc của bà con nơi đây.
Mỗi địa phương một cách làm
Theo Sở Giao thông vận tải, đến hết ngày 17/9, các địa phương đã cung ứng được hơn 30 nghìn tấn xi măng, 2.374 ống cống và đã thi công hoàn thành trên 182 km đường. Trong đó đường thôn 92,13 km; đường nội đồng 90,71 km.
Tại tất cả các địa phương, nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng. Sau khi có mặt bằng, xi măng, ống cống mới được vận chuyển đến để tránh tình trạng hư hỏng. Toàn bộ việc thi công được giao cho một đơn vị chuyên trách thực hiện, người dân sẽ thực hiện khâu kiểm tra, giám sát chất lượng công trình.
Người dân thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) làm đường giao thông nông thôn.
Ở mỗi địa phương, lại có một hình thức huy động, đóng góp khác nhau, dựa trên sự đồng thuận, nhất trí, nhờ đó đã giúp tiến độ thi công các tuyến đường giao thông được nhanh chóng hơn.
Phiềng Ly là thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Hà (Chiêm Hóa). Thôn có 118 hộ dân, trong đó 99% là người dân tộc thiểu số. Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng khi triển khai làm đường giao thông nông thôn, bà con rất đồng tình hưởng ứng. Thôn vừa hoàn thành bê tông hóa 190 mét đường giao thông. Bí thư Chi bộ Phiềng Ly Bàn Văn Nhất cho biết, bê tông hóa tuyến đường trên, bà con không phải đóng một đồng kinh phí. Là bởi, hằng năm Phiềng Ly được cấp một khoản kinh phí bảo vệ rừng, ngoài trả công cho các thành viên đi tuần tra bảo vệ rừng, thôn thống nhất trích 50% số tiền đó để xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó có việc làm đường giao thông nông thôn. Đây là cách làm hay, sáng tạo, thể hiện tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân Phiềng Ly trong xây dựng nông thôn mới.
Hay như ở thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh. Để đảm bảo công bằng cho các hộ, lãnh đạo thôn họp lấy ý kiến, rồi cẩn trọng tính toán diện tích đất sản xuất, khoảng cách của từng gia đình đến vùng sản xuất hàng hóa… để có số tiền đóng góp phù hợp, tránh tình trạng bì tỵ, hơn thua.
Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nhiều địa phương đã tiếp tục đăng ký thêm hơn 30 km đường bê tông nông thôn và đường nội đồng để thực hiện trong năm nay. Việc hoàn thành các tuyến đường không chỉ là điểm tựa để những vùng quê thay da đổi thịt, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong tương lai không xa.