Tổ kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch COVID-19 tại bến cảng
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 và chủ động phòng ngừa tình huống bất khả kháng do tác động của dịch bệnh COVID-19, gây “đứt, gãy” chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng - dịch vụ hàng hải tai khu vực trách nhiệm quản lý; Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công điện số 08/CĐ-BGTVT ngày 08/7/2021 về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Giao thông vận tải và các chỉ đạo, hướng dẫn liên quan khác của cấp thẩm quyền, thời gian qua Cảng vụ Hàng Hải Vũng Tàu đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan khác tăng cường toàn diện, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại 58 bến cảng và vùng nước cảng biển trách nhiệm quản lý; trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như sau.
Bộ phận thủ tục tàu thuyền triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19
Tổ kiểm tra liên ngành làm việc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với 04 Tổ chức hoa tiêu hoạt động trong khu vực.
Song song với việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các nhóm đối tượng: hoa tiêu hàng hải; 10 mỏ dầu khí ngoài khơi; 48 doanh nghiệp cảng tại Vũng Tàu; đại lý hàng hải; các hãng tàu container, chủ hàng; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải … kết hợp với triển khai hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành (gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước) và ban hành 14 văn bản hướng dẫn, quán triệt, chỉ đạo doanh nghiệp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp: tuyệt đối không cho thuyền viên đi bờ, đặc biệt là thuyền viên nước ngoài hoặc thuyền viên đến từ vùng dịch (trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trường hợp được phép của cơ quan có thẩm quyền);
Yêu cầu chủ tàu nhập cảnh hoặc tàu đến từ vùng có dịch phải phối hợp với doanh nghiệp cảng xây dựng, triển khai “Phương án phòng chống dịch Covid-19” cụ thể cho từng tàu trước khi tàu vào cảng;
Yêu cầu hoa tiêu dẫn tàu hoặc những người khác lên tàu tiếp xúc gần với thuyền viên trên tàu, ngoài việc đeo khẩu trang, găng tay còn bắt buộc phải mặc quần áo bảo hộ/ phòng dịch; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu, trao đổi hồ sơ, tài liệu hay hội họp;
Yêu cầu doanh nghiệp cảng tổ chức đánh giá tình hình thực tế và rà soát các đối tượng đến cảng có nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện “Phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19” và các “Quy trình, biện pháp ứng phó trong trường hợp có người nhiễm vi rút SARS-CoV-2” trong doanh nghiệp để kịp thời triển khai và sẵn sàng kích hoạt các kịch bản ứng phó trong trường hợp xảy ra tình huống có người nghi nhiễm/ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại cảng;
Yêu cầu doanh nghiệp ngoài biện pháp kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với người vào, ra, làm việc tại cảng còn phải phân chia khu vực làm việc, phân luồng giao thông tại cảng - bố trí khu vực sinh hoạt, làm việc độc lập giữa những bộ phận công tác của doanh nghiệp cảng - thực hiện giãn cách giữa các nhóm công việc đặc thù tại cảng - tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần giữa nhân viên cảng với những người đến cảng làm việc hay với thuyền viên trên tàu; tổ chức xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 …
Mặt khác, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã chủ trì, tổ chức làm việc trực tuyến với các chủ tàu, chủ hàng và doanh nghiệp cảng để thảo luận và đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp nghiên cứu, đánh giá hạ tầng cảng biển(bến cảng, luồng hàng hải, trang thiết bị xếp dỡ hàng, kết nối giao thông...)trong khu vực và xây dựng phương án điều tiết phân luồng hàng hóa, xác định cảng thay thế cảng, bến đang khai thác hiện hữu trong tình huống bến cảng tạm dừng khai thác do hậu quả của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến ách tắc cục bộ. Đồng thời thiết lập, duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ tàu - chủ cảng - chủ hàng để kịp thời trao đổi, thống nhất giải quyết các tình huống phát sinh ngoài mong muốn hay các trường hơp bất khả kháng khác./.