Để bảo đảm ATGT, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu qua các đường ngang dân sinh, rào các lối mở tự phát, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và các quy định về ATGT đường sắt.
Với mô hình điểm “Đoạn đường sắt ATGT”, cuối tháng 3/2021, xã Liêm Chung (TP Phủ Lý) được các cấp, ngành liên quan đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chốt gác chắn tự quản ở một số điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên địa bàn. Đây là tuyến đường có 10 lối mở tự phát, trong đó 3 lối đi có lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn, 6 lối đi chưa có biển báo, đèn tín hiệu, chốt gác. Tại đây, thường xảy ra các vụ tai nạn, nhiều vụ nghiêm trọng.
Theo báo cáo của ngành chức năng, sau 6 tháng triển khai, đến nay mô hình đi vào hoạt động nền nếp, góp phần hạn chế nguy cơ tai nạn, bảo đảm an toàn cho người dân mỗi khi lưu thông qua đường ngang đường sắt. Từ mô hình này đã vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT; đặc biệt tại 3 chốt gác chắn tự quản có sự tham gia của người dân.
Điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tại nút giao QL21
với Đường Lê Đức Thọ, N2 tại xã Liêm Chung (TP Phủ Lý)
Để mô hình hoạt động hiệu quả hơn nữa, ông Hoàng Cao Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Phủ Lý cho rằng: Về phía cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quy định bảo đảm ATGT đường sắt, ý nghĩa của mô hình, hiểm họa, hậu quả của tai nạn giao thông đường sắt. Từ đó, giúp mọi người tự giác chấp hành pháp luật ATGT, tham gia hưởng ứng tích cực mô hình “Đoạn đường sắt ATGT”. Thời gian tới, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua, góp phần kiềm chế và giảm tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Thực tế, tất cả những vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua thường xảy ra ở các tuyến đường ngang dân sinh với nguyên nhân chủ yếu tại đây không có rào chắn hoặc bị che khuất tầm nhìn, không có hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu, mặt đường xấu và hơn nữa là ý thức của người tham gia giao thông thiếu quan sát trước khi qua đường. Vào tháng 7/2020 xe taxi mang biển kiểm soát 90A-040.76 đi qua đoạn đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt ở khu vực xã Liêm Chung (TP Phủ Lý) và do tại đây không có rào chắn, đặc biệt lái xe thiếu chú ý quan sát đã bị tàu hỏa SE9 có đầu máy D19E đi theo hướng Bắc-Nam đâm phải, kéo lê khoảng 100m. Cú đâm mạnh khiến một người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương và vụ tai nạn khiến đoàn tàu bị chậm lại gần một tiếng đồng hồ.
Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần (Thanh Liêm) cho biết: Chỉ với khoảng 2km đường sắt qua địa bàn, nhưng có tới 33 đường ngang tự phát. Do đó, những năm qua UBND xã luôn tích cực phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT, chống lấn chiếm hành lang đường sắt. Mới đây, ngày 16/9/2021 UBND xã tổ chức giải tỏa các vi phạm ven tuyến đường sắt với chiều dài khoảng 800 m ở 2 thôn Nhất Nhì, Tam Tứ; đồng thời hàn rào chắn tại 21 lối mở tự phát. Việc làm này, góp phần bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn, được nhân dân và các cấp, ngành ghi nhận.
Toàn tỉnh hiện có 253 đường ngang, lối mở tự phát qua đường sắt, trong đó nhiều lối đi dân sinh chưa được lắp đặt rào chắn bằng tôn hộ lan. Cụ thể, ở một số đường ngang không có rào chắn như tại Km44+907 đường về Tổ dân phố Đồng Văn, phường Đồng Văn và Km47+945 đường vào khu dân cư phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên). Ngoài ra, còn có nhiều đường ngang tự phát ở các xã: Tiên Tân, Liêm Chung (TP Phủ Lý); Liêm Cần, Liêm Phong (Thanh Liêm); thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Nhằm bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến tàu và người dân, mong muốn ngành đường sắt triển khai đồng bộ, hữu hiệu các biện pháp bổ sung trang thiết bị, biển báo ở các đường ngang. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền các địa phương, ngành chức năng khảo sát để xóa bỏ hoặc thu hẹp những lối đi tự mở không cần thiết; thường xuyên làm tốt công tác giải tỏa, phát quang cây cối tại các điểm đường ngang che khuất tầm nhìn trên mỗi cung đường và tăng cường tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật đường sắt để mọi người chấp hành, nhất là chú ý quan sát kỹ mỗi khi đi qua điểm giao cắt đường bộ với đường sắt./.