Một trong những mục tiêu trọng tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, như sân bay, đường cao tốc, hạ tầng giao thông nội tỉnh, cảng biển kết hợp với phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung thu hút và xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế để phát triển ngành công nghiệp.
Thời gian qua, huyện Thới Bình
tập trung nhiều nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông.
Là một trong những trung tâm kinh tế động lực ven biển của tỉnh, huyện Năm Căn đã và đang tập trung huy động nhiều nguồn vốn từ ngân sách cho đến xã hội hoá… để đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới về hạ tầng. Cầu qua sông Cái Nai nối liền khu công nghiệp (thuộc Khu Kinh tế Năm Căn) với đường Hồ Chí Minh thông qua đường trục chính Ðông - Tây là một trong những dự án quan trọng không chỉ cho diện mạo đô thị, mà còn là trục đường xương sống của Khu Kinh tế Năm Căn. Ngoài ra, trong nội thị Năm Căn thời gian qua nhiều tuyến đường đã được đầu tư xây dựng, tạo thành mạng lưới giao thông đảm bảo giao thương hàng hoá cho khu đô thị, các khu chức năng và người dân trong đô thị, tạo thành đô thị phát triển năng động.
Với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng của đô thị loại I vào năm 2025, có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển bền vững…, thời gian qua, TP Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Ðầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven, các phường ngoại ô.
Nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô TP Cà Mau là dự án giao thông quan trọng
trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Sau đợt mưa bão, triều cường dâng cao trong tháng 9, tháng 10/2020 khiến hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập và hư hỏng nặng. Ngoài ra, một số tuyến đường trên địa bàn xã Lý Văn Lâm vẫn chưa được bê-tông hoá; một số được đầu tư xây dựng đã lâu nay bị xuống cấp, dẫn đến hư hỏng... Tuy nhiên, ngay sau đó, TP Cà Mau đã nhanh chóng khắc phục các tuyến đường hư hỏng do triều cường gây ra, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người dân. Cụ thể, đã có 19 công trình giao thông nông thôn trên địa bàn các xã với tổng vốn đầu tư 102,296 tỷ đồng được triển khai duy tu, sửa chữa và xây dựng mới.
Mục tiêu của TP Cà Mau là đến năm 2025 có từ 1 xã trở lên trong số các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, ông Hải cho biết thêm, TP Cà Mau đã và sẽ tiếp tục rà soát các nội dung, tiêu chí đã đạt nhưng cần củng cố, nâng chất để tiếp tục đầu tư. Trong đó, đặc biệt là nhóm tiêu chí về hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thiết chế văn hoá, công trình cấp nước tập trung... để xây dựng, hoàn thiện, nâng chất đối với các xã trên địa bàn thành phố.
Dự án phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025 TP Cà Mau sẽ là điểm nhấn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 58,6 triệu USD. Khi dự án hoàn thành, hạ tầng không chỉ có thể kết nối trong nội thị với vùng, khu vực lân cận mà còn chống ngập, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu… tạo nền tảng để kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Không riêng tại các đô thị động lực như Năm Căn hay TP Cà Mau, tại các xã khó khăn như Tân Thuận của huyện Ðầm Dơi, công tác đầu tư phát triển hạ tầng cũng đang được đẩy mạnh. Trong thời gian thực hiện giãn cách do dịch bệnh càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông.
Ông Trần Quốc Khải, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết, nhờ hệ thống giao thông đã được đấu nối với huyện, xã lân cận nên việc giao thương mua bán hàng hoá và các vật dụng phục vụ sản xuất của người dân không quá khó khăn khi không thể qua huyện Ðông Hải của tỉnh Bạc Liêu.
Hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nhân tố then chốt để nâng cao sự hưởng thụ văn hoá của người dân, là điều kiện đi lại để giao lưu văn hoá./.