Có cầu Cần Giờ, từ trung tâm thành phố về huyện đảo chỉ mất 1 tiếng
Hiện nay, người dân TP.HCM muốn qua đảo Cần Giờ phải qua phà Bình Khánh. Thời gian đi lại tính cả chờ phà khoảng 1 tiếng rưỡi, hoặc hơn nếu kẹt xe. Để việc đi lại thuận tiện, người dân thành phố nói chung và huyện Cần Giờ nói riêng mong mỏi xây cầu từ nhiều năm nay.
Phà Bình Khánh
Hàng ngày đi qua phà Bình Khánh, ông Nguyễn Văn Năm (ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) chia sẻ: “Công việc của tôi là giao hàng ở các quận trung tâm thành phố, đi lại mỗi ngày qua phà rất bất tiện. Tôi có nghe thông tin xây cầu Cần Giờ từ 15 năm nay nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Có cầu, người dân đi lại thuận tiện, không phải chờ đợi phà nữa”.
Đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết, cầu Cần Giờ được triển khai sớm sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhanh và bền vững.
Về lâu dài, xây cầu Cần Giờ là điều tất yếu nhằm đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian từ trung tâm TP.HCM về huyện Cần Giờ chỉ còn 1 tiếng, thay vì 1,5 - 2 tiếng như hiện nay.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu Cần Giờ và 3 cây cầu khác trong khu vực được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, cầu Cần Giờ có chiều dài 3,9km được đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ngân sách Nhà nước tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 900 tỷ đồng. Cầu được xây dựng với kiến trúc cầu dây văng một trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước.
Một cây cầu khác kỳ vọng phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm là cầu Thủ Thiêm 4 (TP Thủ Đức nối quận 7) với tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 1.900 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 dài 1km, điểm khởi đầu của cầu là giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh. Khi hoàn thành, cầu này sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quận 4, 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới Nam thành phố.
Ngoài ra, hai dự án cầu Bình Quới và cầu Bình Quới - Rạch Chiếc (TP Thủ Đức nối quận Bình Thạnh) cũng được Sở GTVT đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2021-2026.
Hai cầu này có tổng chiều dài cầu 840m, cầu Bình Quới với kinh phí đầu tư 3.400 tỷ đồng còn cầu Bình Quới - Rạch Chiếc 3.390 tỷ đồng.
Khai thác quỹ đất xung quanh để lấy tiền làm cầu?
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự kiến cầu Cần Giờ sẽ tổ chức đấu thầu năm 2022 và hoàn thành năm 2026.
Khi cầu Cần Giờ hoàn thành sẽ kết nối khu vực trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, từ đó giúp thúc đẩy KT-XH, đặc biệt là du lịch.
Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm và còn cả khu Nam Sài Gòn. Dự án được kỳ vọng giảm tải lượng xe lớn từ quận 4 sang quận 1.
“Cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm cần sự đồng lòng của người dân trong việc GPMB mới có thể đúng tiến độ”, ông Bằng nói.
TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Quới - Rạch Chiếc là rất cần thiết.
Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 4 nối liền với đường vành đai rất cần thiết cho thành phố, từ đó giải phóng giao thông từ quận 4 và quận 7 vào trung tâm. Hai cầu Bình Quới, Bình Quới - Rạch Chiếc phục vụ phát triển khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
“Riêng cầu Cần Giờ thành phố cần tính toán lại nhu cầu thực sự, cầu này sẽ phục vụ việc lưu thông thuận tiện. Tuy nhiên, nếu chỉ nhằm phát triển du lịch mà bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng trong khi thành phố chưa có tiền thì cần xem xét lại. Hơn nữa, nếu xây cầu để tạo sự sầm uất cho huyện Cần Giờ là áp đặt sự phát triển đô thị lên khu bảo tồn sinh quyển Cần Giờ”, TS. Cương nói.
Cũng theo TS. Cương, việc làm cầu để phục vụ giao thông thì khó mấy cũng phải làm. Chỗ nào chưa cần thiết, cần tính toán lại. Hiện nay, thành phố chưa có tiền để đầu tư, nếu dùng phương án khai thác quỹ đất xung quanh để lấy tiền làm cầu thì cần tính toán cụ thể.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, hai dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, Sở đã kiến nghị UBND TP bố trí kế hoạch vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất chủ trương đầu tư công dự án. Nguồn vốn để xây cầu hiện khó khăn, vẫn đang chờ. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự báo nguồn thu ngân sách TP trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng do dịch kéo dài.