Nhiều giải pháp gỡ khó tuyến vận tải biên giới đi Campuchia

Thứ ba, 26/10/2021 19:09

Nhiều cơ chế, chính sách gần đây giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia trong mùa dịch Covid-19.

Bất cập chính sách được tháo gỡ

Tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia được mở từ năm 2009, có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng quá cảnh từ các cảng biển tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đi Campuchia và ngược lại.

Trong các đợt cao điểm dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, tuyến vận tải này bị ảnh hưởng không nhỏ, song hoạt động vận tải được doanh nghiệp duy trì đều đặn. Theo Cục Đường thủy nội địa VN, từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ riêng hàng container vận chuyển bằng phương tiện thủy trên tuyến này đạt hơn 200.000 Teus.

Tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia có vai trò quan trọng trong vận chuyển
hàng xuất nhập khẩu quá cảnh cảng biển khu vực phía Nam - Ảnh: Lê Anh

Để có kết quả trên, các cơ quan quản lý Nhà nước luôn tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho hoạt động vận tải như: làm thủ tục cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng, bến trực tuyến, giải quyết các vướng mắc về thủ tục; đề xuất ưu tiên vaccine cho thuyền viên phương tiện, nhân viên bốc dỡ, hàng hóa tại cảng, bến trên tuyến.

“Từ 12/10/2021, phương tiện thủy vận tải trên tuyến Việt Nam - Campuchia khi vào, rời cảng biển được giảm phí, lệ phí phương tiện gần 11 lần so với trước. Việc này được Cục Đường thủy nội địa VN, Hàng hải VN và các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp thống nhất đề xuất, kiến nghị và đã được cơ quan chức năng giải quyết. Mức phí mới này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.

Cụ thể hơn, từ thời điểm trên mức phí phương tiện thủy tuyến Việt Nam - Campuchia tại cảng biển áp dụng theo Thông tư số 74/2021 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải).

Theo đó, phí trọng tải phương tiện chỉ còn 165 đồng/tấn trọng tải toàn phần/lượt vào, ra (kể cả có tải, không tải); các mức lệ phí ra, vào cảng, bến: 5.000; 10.000; 20.000; 30.000; 40.000 và 50.000 đồng/chuyến đối với phương tiện căn cứ theo loại trọng tải toàn phần, số ghế chở khách.

Còn trước đó, từ 1/3/2020 - 11/10/2021, do phí, lệ phí tính theo khung hàng hải và nộp bằng tiền ngoại tệ (đồng USD) khiến giá trị phải nộp quy ra tiền Việt Nam cao gấp 10-11 lần so với thời điểm trước đó.

Ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký Hiệp hội Môi giới và đại lý hàng hải VN cho biết, bên cạnh quy định giảm phí nói trên, một số chính sách cũng đã tác động tốt đến vận tải, giao thương trên tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia.

“Có thể kể đến như Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 3573 ngày 15/7/2021 mở thêm thời gian BOA - BIA cho các tờ khai hải quan lên thành 5 ngày đối với tàu sà lan vận tải tuyến đường thủy nội địa dưới 500km, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Thiện cho biết.

Bên cạnh đó, hiện TP.HCM hoãn thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đến tháng 4/2022, trong đó có hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy, cũng giảm bớt khó khăn cho vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia trong giai đoạn này.

Cửa khẩu thủy Thường Phước (Đồng Tháp) - Ảnh internet

Tìm giải pháp lâu dài

Lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam - Campuchia cho biết, thời gian qua, để ứng phó với dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải bố trí thuyền viên ngay tại cửa khẩu để các chuyến hàng được lưu thông nhanh nhất.

“Vận tải thủy qua biên giới trong mùa dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn do thuyền viên khi qua cửa khẩu phải thực hiện cách ly y tế. Việc này khiến thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng tâm lý thuyền viên. Do đó, chúng tôi phải bố trí thuyền viên tại cửa khẩu bên phía nước bạn. Khi phương tiện đến cửa khẩu, kíp thuyền viên sẽ đổi cho nhau để không phải cách ly y tế và vận hành phương tiện lưu thông được luôn”, lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết.

Ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng thư ký Hiệp hội Môi giới hàng hải VN cho biết thêm, trung bình mỗi tuần có khoảng 22 chuyến phương tiện thủy qua biên giới và các đơn vị vận tải đều áp dụng giải pháp trên.

Tuy vậy, theo ông Thiện, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Bởi việc bố trí thuyền viên ở biên giới để chờ đưa/đón tàu khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí ăn nghỉ, sinh hoạt cho thuyền viên vào khoảng 35-40 triệu đồng/chuyến, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, nên có cơ chế để thay thế giải pháp đổi thuyền viên như trên, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải cắt giảm một phần chi phí phát sinh trong bổi cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.

“Hiệp hội đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù cho việc đi lại của thuyền viên tuyến Việt Nam - Campuchia giống như trên bờ khi đảm bảo các điều kiện như xét nghiệm PCR âm tính, tiêm đủ 2 mũi vacccine.

Cụ thể, đối với thuyền viên tiêm đủ 2 mũi vaccine và cam kết không lên bờ, không tiếp xúc với người ngoài khi tàu cập cảng làm hàng, có cơ chế cho phép thuyền viên được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh bình thường như trước đây”, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải VN đề xuất.

Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tham mưu Bộ GTVT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố và có công hàm gửi các nước liền kề với Việt Nam để thống nhất quy trình xét nghiệm, kiểm dịch.

Mục tiêu là giảm thiểu thời gian chờ đợi của tàu thuyền hoặc điều chỉnh quy định về thay thế thuyền viên trong quy trình phòng, chống dịch bệnh đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển khi thuyền viên đã có đủ giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn thời hạn, đảm bảo việc vận hành các tuyến vận tải kết nối với cảng biển, trong đó có tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia được thuận lợi, thông thoáng thủ tục.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:57906
Lượt truy cập: 176.562.953