Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập và nguy cơ hiện hữu là phải quay trở lại phương thức đặt hàng đan xen đấu thầu.
Bảo trì thường xuyên phao báo hiệu trên tuyến đường thủy quốc gia khu vực phía Bắc
Năm đầu tiên không còn đan xen đặt hàng, đấu thầu
Thời gian này, các doanh nghiệp (DN) trúng thầu quản lý, bảo trì đường thủy đang triển khai công việc quản lý, bảo trì thường xuyên (kiểm tra tuyến, dịch chuyển báo hiệu, tín hiệu; bảo dưỡng phao, báo hiệu, quan trắc mực nước, theo dõi vận tải, trực đảm bảo giao thông, phòng chống thiên tai…) theo đúng hợp đồng với Cục Đường thủy nội địa VN. Đồng thời, các DN cũng sẵn sàng để tham gia đấu thầu các gói thầu bảo trì cho năm 2022.
“Năm 2021, các gói thầu có thời gian trọn vẹn 12 tháng chứ không như từ năm 2016 - 2020 chỉ đấu thầu với thời gian 8 - 9 tháng cuối năm, còn 3 - 4 tháng đầu theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nếu thực hiện đan xen đặt hàng, đấu thầu rất mệt mỏi, DN vừa làm theo đặt hàng vừa lo hồ sơ để đấu thầu”, ông Phạm Văn Phả, Trưởng chi hội Quản lý, bảo trì ĐTNĐ phía Bắc (Hội Vận tải thủy nội địa VN) chia sẻ.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hệ thống đường thủy quốc gia hiện có hơn 7.000km được khai thác vận tải, hàng năm được quản lý, bảo trì thường xuyên bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế.
Nhiều năm trước, các đơn vị quản lý, bảo trì đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước nên áp dụng theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Từ năm 2016, thực hiện Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu áp dụng thí điểm đấu thầu tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Đây cũng là thời điểm toàn bộ 15 Đoạn Quản lý đường sông (đơn vị sự nghiệp) hoàn thành chuyển sang mô hình công ty cổ phần (5 đơn vị cổ phần năm 2005, 10 đơn vị cổ phần năm 2015).
“Quy định tại Thông tư số 113/2020 của Bộ Tài chính (thay thế Thông tư số 102/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông ĐTNĐ) đã giúp giải quyết được khó khăn, bất cập nêu trên. Từ năm 2021, dịch vụ quản lý, bảo trì đường thủy quốc gia được chuyển sang hình thức đấu thầu, với trọn vẹn 12 tháng”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.
Bất cập đấu thầu thời hạn 1 năm/lần
Năm 2021, dù chuyển hẳn sang cơ chế đấu thầu, song theo Cục Đường thủy nội địa VN, công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu chịu rất nhiều áp lực do phải hoàn thành công tác đấu thầu trong thời gian ngắn.
“Để áp dụng được phương thức đấu thầu cho cả năm 2021, chỉ trong tháng 12/2020, Cục Đường thủy nội địa VN phải chạy đua với thời gian mới có thể hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với nhà thầu trong phạm vi cả nước. Vì vậy, có thời điểm, chỉ trong vài ngày phải liên tiếp ban hành các quyết định lựa chọn nhà thầu để đáp ứng yêu cầu về thời gian thực hiện hợp đồng từ ngày 1/1/2021”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Đường thủy và một số DN bảo trì đều cho rằng, hiện vẫn còn khó khăn, bất cập giữa quy trình giao vốn, quy định đấu thầu và thực tế, gây khó khăn cho công tác đấu thầu.
Cụ thể, yêu cầu đối với hoạt động quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy phải đảm bảo duy trì liên tục ngày nối ngày, không thể ngắt quãng thời gian, bỏ trống để duy trì luồng tuyến phục vụ vận tải và bảo đảm ATGT đường thủy.
Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy (vốn ngân sách chi sự nghiệp thường xuyên) chỉ được bố trí theo từng năm và chi thanh toán cho khối lượng công việc đã thực hiện trong năm đó.
Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, cấp thẩm quyền sẽ có văn bản giao dự toán thu, chi ngân sách cho năm sau cho các đơn vị.
Điều này khiến chỉ có trên dưới 30 ngày để tổ chức toàn bộ công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng.
“Theo quy định, chỉ được tổ chức đấu thầu khi đã xác định được nguồn vốn (văn bản giao dự toán thu, chi ngân sách). Thực tế năm trước, ngày 3/12/2020, Bộ Tài chính có quyết định giao dự toán, thu ngân sách năm 2021. Trong khi đó, để áp dụng cơ chế đấu thầu cả 12 tháng của năm, phải lựa chọn xong nhà thầu và ký hợp đồng trước ngày 31/12/2020 để nhà thầu triển khai công việc từ ngày 1/1/2021. Vì vậy, chỉ có gần 30 ngày để hoàn thành toàn bộ công việc liên quan đến đấu thầu, lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo trì đường thủy cho năm sau”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN phân tích.
Cũng theo đơn vị này, nếu không kịp chạy đua hoàn thành công tác đấu thầu trong thời gian khoảng 30 ngày, sẽ tiếp tục lặp lại cơ chế đặt hàng đan xen đấu thấu như trước.
Ông Phạm Văn Phả, Trưởng chi hội Quản lý, bảo trì ĐTNĐ phía Bắc cho rằng, quy trình bố trí vốn, duyệt dự toán rồi mới tổ chức đấu thầu với thời hạn 1 năm/lần như hiện nay đang gây khó khăn cho công tác tổ chức đấu thầu bảo trì đường thủy.
“Các gói thầu đều được đấu thầu qua mạng nên đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng. Hiện, một số địa phương đã đấu thầu bảo trì đường thủy thời hạn 3 năm/lần, vì vậy cần áp dụng theo hình thức trên để các DN bảo trì yên tâm đầu tư đổi mới phương tiện, công nghệ nâng năng suất, hiệu quả quản lý, bảo trì”, ông Phả nói.
Được biết, để giải quyết vấn đề trên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Đường thủy nội địa VN cũng đã đề xuất quy định các gói thầu quản lý, bảo trì đường thủy có thời hạn 3 năm/lần, góp phần tạo thuận lợi cho DN và phù hợp với thực tế hiện nay.
Vì sao ít nhà thầu mới tham gia?
Ông Phạm Văn Phả, Trưởng chi hội Quản lý, bảo trì ĐTNĐ phía Bắc (Hội Vận tải thủy nội địa VN) cho biết, hầu hết nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu quản lý, bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia là 15 DN quản lý, bảo trì đường thủy được chuyển đổi từ các Đoạn Quản lý đường sông trước đây.
Ngoài ra, chỉ có một số đơn vị là DN bảo trì đường thủy địa phương, không có nhà thầu bên ngoài.
15 DN trên đều có quy mô vốn nhỏ, doanh thu trung bình chỉ vài chục tỷ đồng/năm, song có thế mạnh là hoạt động truyền thống nhiều năm, có kinh nghiệm quản lý, bảo trì đường thủy.
Bên cạnh đó, bộ máy nhân sự và hệ thống phương tiện, thiết bị phù hợp với các luồng tuyến được giao quản lý trước đây.
|