Những ngày qua, trên tuyến QL15 qua địa phận các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu dồn lực để vừa GPMB vừa thi công 53,3km (đoạn từ Km53 - Km109) đường nối sang tỉnh Hòa Bình.
Tuyến QL15 qua địa phận xã Thiết Ống, huyện Bá Thước đang được lu lèn cẩn thận
Từ trung tâm huyện Ngọc Lặc, men theo tuyến QL15 vắt vẻo qua từng quả đồi, khu rừng để sang địa phận các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, những công nhân, lái máy, thợ hàn... ở các gói thầu đang miệt mài thi công tuyến đường. Mọi âm thanh hỗn độn từ máy lu, máy khoan, máy đào đất, tiếng xe... đan xen vào nhau vang vọng giữa núi rừng miền Tây Thanh Hóa.
Có mặt tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), anh Nguyễn Ngọc Tiến (27 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), là lái máy xúc tại công trường thi công cho hay: "Từ khi bắt đầu thực hiện dự án, tôi cùng anh em ở đây ngày đêm bám công trường. Mặt bằng bàn giao đến đâu là thay nhau san gạt đến đó. Trước kia, khi dịch COVID-19 chưa phức tạp, trung bình 1-2 tháng về thăm quê một lần nhưng đợt này bám trụ luôn ở rừng núi".
Đang kiểm tra việc lu lèn mặt đường qua xã Thiết Ống, kỹ sư Đặng Ngọc Hải, Phó Chỉ huy công trình - Phụ trách kỹ thuật thi công gói thầu xây lắp công trình của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung cho biết: "Ngoài đơn vị chúng tôi ra, còn có 2 nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Tân Thành, Công ty cổ phần Sun Việt thực hiện thi công đường và cầu trên tuyến QL15 này".
Trên công trường, nhà thầu huy động 30 lu các loại, 12 máy ủi, 28 máy xúc, 45 ô tô vận chuyển, 2 máy rải bê tông nhựa, 2 máy rải cấp phối đá dăm, 3 máy khoan đá, 2 máy xúc gắn đầu búa đục, 6 máy trộn bê tông; 2 trạm trộn bê tông xi măng; 6 máy san, 10 xe tưới nước… Nhân công, cán bộ điều hành khoảng 300 người. Việc tổ chức thi công nền đường có 10 mũi, móng cấp phối các loại 05 mũi, bê tông nhựa 2 mũi. Ngoài ra còn có 10 tổ thi công công trình trên tuyến và các mũi thi công cầu.
Trong quá trình thi công cầu, phương án đảm bảo
lưu thông trên tuyến cũng được ưu tiên hàng đầu
“Về tiến độ, cả 3 nhà thầu đang dồn lực để làm. Cứ có mặt bằng đến đâu là làm đến đó, làm đoạn nào gọn đoạn đó. Riêng tiến độ đoạn từ Km75+650 - Km109, dự kiến phấn đấu thảm bê tông nhựa xong trước ngày 31/12/2021 còn tiến độ toàn dự án sẽ phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/10/2022”, ông Hải cho biết thêm.
Được biết, Dự án nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa thuộc Tiểu dự án 3 nâng cấp đoạn Km53+00 - Km109+00 (qua tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng qua các huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh và Ngọc Lặc với tổng mức đầu tư khoảng 1.051,663 tỷ đồng.
Dự án được Bộ GTVT phê duyệt và do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư sau đó ủy thác cho Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông số 2 Thanh Hóa thực hiện (nay là Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa).
Theo hồ sơ, dự án có điểm đấu nối với Tiểu dự án 2 thuộc địa phận xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa và điểm cuối tại thị trấn Ngọc Lặc để kết nối với đường Hồ Chí Minh (không bao gồm đoạn tuyến từ Km 72+950 - Km75+650, QL15 trùng với đoạn Km104+475.73 - Km107+200, QL 217 đã được Bộ GTVT đầu tư theo Dự án nâng cấp QL.217 tại Quyết định số 3986/QĐ-BGTVT ngày 21/10/2014). Theo thiết kế, phần đường được xây dựng đúng tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ 60 km/h.
Theo Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, đến nay, UBND các huyện hoàn thành, bàn giao cho nhà thầu 51,48km/53,3km (96,59%) chỉ còn lại một số cục bộ một số hộ dân, các công trình kỹ thuật công cộng. Tỷ lệ vốn giải ngân thực hiện GPMB đạt gần 90%.
Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã thi công được 36km đường trên tổng chiều dài 53,3km; cơ bản xong 6 cầu: Chu Môn, Chiềng Khạt, Lang Chánh, Sàng Cải, Làng Thang, Hồ Ong và các hạng mục cống, rãnh thoát nước dọc hai bên đường. Giá trị hoàn thành đạt khoảng 266,65/600,73 tỷ đồng (đạt 44,39%).
Ông Đoàn Khả Phú - Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết: Tiến độ thi công, chất lượng công trình cơ bản đảm bảo, hết tháng 10/2021 công tác giải ngân đạt khoảng 68% đang còn chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân thời gian qua mưa nhiều, rồi đến các cơn bão số 2, hoàn lưu bão số 5, bão số 7 và số 8, bão số 12 trong năm 2020 và tháng 7/2021 đến nay nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Đặc biệt ảnh hưởng đến công tác thảm bê tông nhựa đoạn từ Km75+650 - Km109 và công tác đào, đắp đất nền đường đoạn từ Km53 - Km72+950. Mặt khác, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu, nhân lực phục vụ cho dự án.
“Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng ở những vị trí cục bộ. Tận dụng những ngày khô ráo thi công ngày đêm để sớm hoàn thành dự án đưa vào sử dụng”, ông Đoàn Khả Phú cho biết thêm.