Lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm soát, xử lý vi phạm
về trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 45 đoạn qua huyện Đông Sơn
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, ATGT, nhất là ở các tuyến quốc lộ trọng điểm trên địa bàn theo chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, ngay từ đầu năm, các sở, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh; ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố; các lực lượng chức năng, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, Công an tỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT; tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, như: vi phạm về tốc độ, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, xe ô tô hết niên hạn và quá niên hạn sử dụng, nhất là vi phạm nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm ATGT theo các chuyên đề. Tăng cường lực lượng, phương tiện đủ mạnh trên các tuyến quốc lộ trọng điểm để tuần tra, kiểm soát, chủ động trấn áp các loại tội phạm.
Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nhất là những quy định mới của pháp luật về trật tự, ATGT; vận động người dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo đổi mới hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT. Triển khai thực hiện hiệu quả theo các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và lĩnh vực trật tự, ATGT; cưỡng chế vi phạm trật tự, ATGT, công tác kiểm soát tải trọng xe, xử lý xe quá khổ, quá tải, xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn lưu hành... Sở GTVTi đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa; đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ trọng điểm qua địa bàn, các quy định về hoạt động vận tải...
Tăng cường chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông - vận tải; rà soát, kiểm tra việc triển khai các văn bản chỉ đạo, các công trình dự án, siết chặt các quy định về bảo đảm ATGT đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa; thực hiện tốt quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong hoạt động vận tải. Tăng cường bảo trì, sửa chữa và bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục huy động vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giao thông, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và ATGT.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ trọng điểm qua địa bàn, không để phát sinh gây mất trật tự, ATGT và ùn tắc giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe, nhất là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách hợp đồng; hướng dẫn giao thông cho lái xe và người dân; có dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 10-2021, chúng tôi trực tiếp quan sát tại một số tuyến quốc lộ trọng điểm, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, qua địa bàn TP Thanh Hóa, các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa... vào giờ cao điểm hàng ngày, ngày cuối tuần, nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (chủ yếu là xe mô tô) vi phạm các quy định pháp luật về trật tự, ATGT. Những vi phạm chủ yếu, như: phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đi lấn chiếm phần đường, vượt tín hiệu đèn đỏ, thiếu chú ý quan sát khi rẽ, không đội mũ bảo hiểm... Ngoài ra, nhiều chợ xây dựng giáp các tuyến quốc lộ và người dân bán hàng ở cổng chợ lấn chiếm lòng, lề đường, cản trở giao thông. Các khu vực đông dân cư có nhiều biển quảng cáo bán hàng không đúng quy định, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông...
Thực tế, những vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, tiềm ẩn gây tai nạn giao thông và thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người và thiệt hại lớn về tài sản... Theo thống kê của Văn phòng Ban ATGT tỉnh, 10 tháng năm 2021, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, như: Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông, tăng 31% so với cùng kỳ; làm chết 28 người, tăng 7%; bị thương 40 người, tăng 18%; đường Hồ Chí Minh, xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, giảm 4%; làm chết 4 người, giảm 2%; làm bị thương 7 người, giảm 1%; Quốc lộ 47, xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, giảm 3%; làm chết 3 người, không tăng không giảm; làm bị thương 2 người, giảm 5%; Quốc lộ 217 xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, tăng 7%; làm chết 5 người, giảm 4%; bị thương 20 người, tăng 11%... Đối tượng gây tai nạn giao thông chủ yếu xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô.
Trước thực trạng trên, công tác bảo đảm trật tự, ATGT, nhất là ở các tuyến quốc lộ trọng điểm trên địa bàn tỉnh cần phải được các sở, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh; ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chức năng, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền; huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT.
Đi đôi với đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; bảo đảm việc quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT. Xử lý dứt điểm tình trạng họp chợ, dựng biển quảng cáo, để phương tiện, đổ vật liệu xây dựng... lấn chiếm lòng, lề đường các tuyến quốc lộ. Các đơn vị quản lý giao thông rà soát, điều chỉnh hợp lý và đầu tư bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu giao thông đường bộ... theo quy định. Các lực lượng chức năng tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án, huy động lực lượng, phương tiện phối hợp thực hiện tốt công tác vận chuyển hành khách, hàng hóa, bảo đảm trật tự, ATGT, tránh ùn tắc giao thông.