Vĩnh Phúc: Từng bước phủ kín, hoàn thiện mạng lưới giao thông

Thứ hai, 15/11/2021 09:17

Xác định phát triển hạ tầng giao thông để “đi tắt, đón đầu” thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển đô thị theo đúng định hướng, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoàn thành các dự án, công trình giao thông trong hệ thống hạ tầng đô thị, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương và hình thành các tuyến đường kết nối giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận.

Vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những ngày này, tại nhiều công trình nâng cấp, cải tạo, xây mới hệ thống giao thông tỉnh như: Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3; Dự án cầu Đầm Vạc; Dự án đường trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây đô thị Vĩnh Phúc; đường song song đường sắt tuyến phía Bắc, đoạn Quốc lộ 2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú, các đơn vị thi công đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, quyết tâm hoàn thành, đưa một số tuyến đường vào hoạt động.

Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc,
đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3

Chẳng hạn như tại Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3. Hiện 2 liên danh nhà thầu là Công ty cổ phần KEHIN và Công ty cổ phần thương mại và xây dựng CIZENRA đã huy động hàng chục máy lu, máy đóng cọc xử lý nền đất yếu tại đoạn Km4+300 thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, quyết tâm thi công xong tuyến đường dài 6,1 km nhằm kết nối giao thông với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2B, đường Kim Ngọc, đường song song đường sắt, cầu Đầm Vạc, đường Vành đai 3 và cầu Vân Phúc sang thành phố Hà Nội. Đồng thời, tạo kết nối giữa các khu du lịch, dịch vụ, đô thị, hình thành tuyến đường kết nối các vùng cung cấp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hay tại Dự án cải tạo, nâng cấp cầu Nóng, đoạn từ thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch đi xã Tân Lập, huyện Sông Lô, hiện đơn vị thi công đã hoàn thành phần cọc khoan nhồi, đổ dầm và đang tiếp tục xây dựng mố cầu. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, dự án này có chiều dài 24m, rộng 18m, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch. Với tốc độ thi công như hiện nay, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm nay.

Không chỉ 2 công trình trên, khắc phục những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng chục công trình, dự án giao thông khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2021, Vĩnh Phúc dành gần 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Để hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn theo đúng lộ trình, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng thủ đô như: Tuyến đường Vành đai 5 - Thủ đô; tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và tỉnh Tuyên Quang; xây dựng danh mục các chương trình, dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, trình quyết toán một số dự án như đường Vành đai 3 trong quy hoạch phát triển giao thông Vĩnh Phúc, đoạn Hương Canh - Yên Lạc; cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 302B, đoạn Hương Canh - Trung Mỹ…

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông gặp không ít khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, huy động nguồn nhân lực. 

Để hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại theo Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông lớn, trọng điểm theo quy hoạch, định hướng phát triển; triển khai thực hiện tốt quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án; quản lý chặt quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với việc cắm mốc giới quy hoạch, hành lang an toàn giao thông trên một số tuyến đường lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng công trình giao thông. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục để khởi công mới các công trình trong kế hoạch năm 2021. Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục xã, trục thôn và xây dựng mới giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc sẽ đẩy nhanh công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; quản lý tốt việc người dân xây dựng, tạo lập tài sản trong phạm vi các tuyến đường được quy hoạch; quyết liệt giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn. Tập trung hoàn thiện khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, phát triển các tuyến giao thông kết nối với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Trước mắt là tập trung nguồn lực cho một số công trình giao thông trọng điểm, có tác động lớn đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:20575
Lượt truy cập: 176.642.745