Phương án cạnh tranh phải thể hiện qua ưu thế
Đánh giá về hiệu quả của hệ thống giao thông đường bộ cao tốc, ông Nguyễn Đăng Trương khẳng định, trước hết đường cao tốc sẽ tạo ra năng lực vận tải được tăng cường tốt. Thứ hai là thuận tiện rút ngắn thời gian và an toàn. Thứ ba, tạo ra một không gian và hành lang phát triển cho cả một vùng tuyến đường cao tốc chạy qua. Theo đó, chúng ta có thể khai thác quỹ đất hai bên đường để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng như tăng khả năng thu hút du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, còn bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Chính vì để thúc đẩy hiệu quả trên nên mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1454/Đ-TTg, phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình nào để thực hiện đầu tư cho hiệu quả mạng lưới đường bộ, trong đó có hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc trên còn nhiều việc phải bàn. Bởi theo ông Nguyễn Đăng Trương, đối với việc bố trí vốn vay thương mại trong nước cho các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), chúng ta gặp một số khó khăn. Trong mô hình đầu tư theo hình thức PPP cũng có cái hay, cái dở. Mặc dù, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ rất muốn thúc đẩy phương thức đầu tư PPP và một phần như đầu tư của VEC. Thực tế cho thấy, khi lựa chọn nhà đầu tư, VEC chứng minh ưu thế của mình, thể hiện bằng các phương án cạnh tranh và hiệu quả của phương án tài chính.
Mô hình PPP thường “vướng” năng lực về vốn với các dự án lớn
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, hiện nay, đối với việc bố trí vốn vay thương mại trong nước cho các dự án PPP, chúng ta gặp một số khó khăn. Bởi thực tế, thứ nhất, các dự án lớn thì quy mô vốn lớn, vay vốn nhiều sẽ khó khăn. Các ngân hàng sẽ phải thẩm định năng lực, uy tín của doanh nghiệp cũng như tính đến phương án trả nợ khả dĩ của doanh nghiệp thì mới cho vay. Đa số các nhà đầu tư theo PPP và các hợp đồng hiện nay là chuyển đổi từ nhà thầu sang, năng lực còn một số hạn chế, đầu tư một vài dự án có thể hết năng lực tài chính dẫn đến khả năng khó vay. Thứ hai, chúng ta chủ yếu dựa vào vốn của các ngân hàng thương mại trong nước mà chưa khơi thông kênh tài chính từ các tổ chức quốc tế hoặc từ những quỹ đầu tư quốc tế, từ các tổ chức tín dụng quốc tế dẫn đến chi phí vốn trong nước rất cao. Thứ ba, thị trường vốn Việt Nam thường huy động từ người dân, từ vay ngắn hạn, trong khi cho vay của các dự án là vay trung hạn và dài hạn. Tư duy đối với các dự án PPP là theo cơ chế tài chính dự án, phải dựa vào phương án tài chính và dòng tiền tương lai của dự án đó để cho vay, chứ không phải có tài sản thế chấp như người dân đi vay. Tuy nhiên, các ngân hàng lại không dựa trên những điều trên để cho vay.
Mô hình PPP thường “vướng” năng lực về vốn
với các dự án lớn, trong đó có những dự án về đường bộ cao tốc
Bên cạnh đó, về mặt cơ chế chính sách, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, hiện chúng ta đã mở ra một cơ chế mới ở trong luật, đó là các doanh nghiệp PPP được phát hành trái phiếu riêng lẻ, được thông qua các kênh khác như phát hành trái phiếu công trình hoặc các kênh huy động vốn để đa dạng hóa các kênh huy động vốn, để làm cho nguồn vốn rẻ hơn. Mặc dù, có thể chúng ta thấy đâu đó, nếu thực hiện dự án PPP có thể đắt hơn so với đầu tư công, hoặc với một phương thức đầu tư nào đó. Tuy nhiên, sở dĩ chúng ta vẫn phải áp dụng PPP vì nó mang lại giá trị về mặt tổng thể cung cấp dịch vụ công, cung cấp sản phẩm cho xã hội, nên chúng ta vẫn phải áp dụng mô hình này.