Huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn

Thứ ba, 23/11/2021 10:21

Huyện Bảo Lạc, Cao Bằng tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực, khuyến khích người dân cùng tham gia góp công, góp sức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT). Nhờ vậy, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện từng bước hoàn thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Đường lên xóm Pù Ngào, xã Huy Giáp (Bảo Lạc)
được đầu tư xây dựng, giúp người dân đi lại thuận tiện

Hiện nay, trên địa bàn huyện có tuyến Quốc lộ 4A và Quốc lộ 34 dài 90 km đi qua, 5 tuyến đường tỉnh dài 127,9 km, 13 tuyến đường huyện 147,9 km, 148 tuyến đường xã dài 503,1 km và khoảng 400 km đường thôn, xóm. Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công lao động từng bước mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường vào trung tâm xã, đường liên xã, liên xóm với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện”, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, chất lượng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương, hằng năm, huyện ưu tiên sử dụng 70% nguồn vốn đầu tư công để mở mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông. Tập trung chỉ đạo các phòng chức năng, các xã huy động các nguồn lực, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức hoàn thiện hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay, huyện huy động từ các nguồn lực trên 546,4 tỷ đồng xây mới, cải tạo, nâng cấp 222 công trình GTNT, tổng chiều dài hơn 400 km; trong đó 101 công trình đầu tư xây mới, tổng chiều dài 250 km.

Các tuyến giao thông chính được đầu tư như đường vào các xã: Sơn Lập, Hưng Thịnh, Hồng An, Phan Thanh, đường Hồng An - Ngọc Động; cải tạo, sửa chữa đường tỉnh 217 đoạn Phiêng Sỉnh, trải thảm nhựa Quốc lộ 34 cũ đoạn qua thị trấn Bảo Lạc; cải tạo, nâng cấp và mở mới các tuyến đường thôn, xóm… Giai đoạn 2018 - 2019, Sở Giao thông - Vận tải đầu tư, cải tạo, nâng cấp 2 tuyến đường từ Bảo Lạc - Cô Ba và từ xã Xuân Trường - Lũng Pán với tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng; xây mới, cải tạo, sửa chữa 12 công trình cầu giao thông với tổng mức đầu tư trên 8,1 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, huyện hỗ trợ hơn 7,5 tỷ đồng mua xi măng, nhân dân đóng góp 5.400 ngày công lao động, hiến gần 10.000 m2 đất, bê tông hóa 78 tuyến đường thôn, xóm, đường nội đồng dài 34,4 km. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các xã trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Đình Phùng Đặng Chiều Phụng chia sẻ: Là xã khó khăn, để phát triển hạ tầng giao thông, xã luôn xác định phát huy nội lực, huy động sức dân là yếu tố chính để hoàn thành tiêu chí giao thông trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2020 đến nay, xã đầu tư hơn 672 triệu đồng làm đường bê tông liên xóm Bản Ngà - Bản Bét dài 717 m; Nhà nước hỗ trợ 560 triệu đồng mua xi măng, nhân dân đóng góp ngày công lao động, cát, sỏi làm 9,6 km đường bê tông ngõ xóm… phấn đấu đến hết năm 2021 hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực đầu tư, cùng với sự đồng lòng của nhân dân giúp hệ thống hạ tầng giao thông của huyện ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, toàn huyện có 82% đường đến trung tâm xã được bê tông hóa, nhựa hóa; 80% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa; 95% đường thôn, bản xe máy đi lại thuận lợi, trong đó, 75% đường thôn, bản xe ô tô trọng tải nhẹ đi được.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mạng lưới đường GTNT huyện hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, xuống cấp, chưa được đầu tư. Cụ thể, tuyến đường vào xã Sơn Lập còn 10 km, xã Sơn Lộ 6 km chưa được nhựa hóa, nhiều đoạn đường nhựa bị hư hỏng cần được cải tạo, sửa chữa. Các tuyến đã xây dựng thì khả năng chịu tải còn hạn chế, một số tuyến đã bị hư hỏng do thiếu nguồn lực để đầu tư, nâng cấp; công tác quản lý chưa được chú trọng, chưa tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn từ thôn bản đến trung tâm xã...; việc phát triển GTNT theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện” ở một số xã khó triển khai do đời sống nhân dân còn nghèo, mật độ dân cư thưa thớt, huy động nguồn lực còn khó khăn.  

Nguồn: Báo Cao Bằng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:81153
Lượt truy cập: 176.608.348