Mặc dù với muôn vàn công việc và khó khăn của những ngày đầu mới thành lập nước, nhưng việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hoạt động thanh tra luôn gắn liền với hoạt động quản lý Nhà nước, Thanh tra vừa là cơ quan quản lý Nhà nước vừa là công cụ thiết yếu của hoạt động quản lý Nhà nước. Thanh tra là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong xã hội.
Tập thể Thanh tra Bộ GTVT chụp ảnh lưu niệm
cùng các đồng chí nguyên Chánh Thanh tra Bộ GTVT
Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Thanh tra với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Nhà nước và nay là Thanh tra Chính phủ. Dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của mình là: “Hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ”, “Trung thành, tận tuỵ, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm”. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã để lại những tấm gương sáng về sự trung thành, gương mẫu, tận tuỵ, liêm khiết, có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam như: Cụ Bùi Bằng Đoàn, Cù Huy Cận, Trần Đăng Ninh, Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng và nhiều đồng chí khác.
Thanh tra Bộ và Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bộ GTVT ký Quy chế phối hợp.
Về Thanh tra Ngành Giao thông vận tải, Tháng 3/1955, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tăng cường kiểm tra việc thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết nhấn mạnh: cần lập Ban kiểm tra Trung ương và ngành nào cũng phải tự tổ chức việc kiểm tra của mình. Điều 7 của Sắc lệnh số 261/SL được ban hành, Thanh tra ngành Ngành Giao thông vận tải ra đời trong hoàn cảnh đó. Từ tháng 6/1956, Ban Thanh tra Bộ GTVT và Bưu điện được thành lập và đi vào hoạt động. Như vậy, cùng với sự hình thành, phát triển của Ngành GTVT, Thanh tra Bộ đã có 65 tuổi hoạt động với cương vị là một cơ quan độc lập.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT
cho các tập thể và cá nhân Thanh tra giao thông vận tải có thành tích giai đoạn 2016 -2020.
Ngày 16/6/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16/6/2004 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải. Có thể nói, đây là Nghị định về thanh tra ngành đầu tiên của Chính phủ triển khai Luật Thanh tra 2014. Theo đó, các tổ thanh tra giao thông vận tải từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn lại nhằm thống nhất tổ chức, chức năng, nhiệm vụ thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành; phòng thanh tra thuộc Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng được thành lập từ thời gian này.
Để tiếp tục kiện toàn tổ chức thanh tra theo Luật Thanh tra 2010, ngày 31/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải theo Luật Thanh tra 2010. Đây là lần kiện toàn lại lần thứ 2 kể từ sau Pháp lệnh thanh tra 1990. Lần kiện toàn này về cơ bản Thanh tra Bộ không có nhiều thay đổi.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm ngành Giao thông vận tải tổ chức các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tiếp hàng trăm lượt công dân, giải quyết hàng trăm vụ việc khiếu nại, tố cáo. Qua công tác thanh tra đã phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của ngành
Năm 2021, là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ảnh hưởng lớn tới hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên công chức thanh tra ngành Giao thông vận tải khắc phục khó khăn hoàn để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tham gia các tổ công tác đặc biệt để giải cứu các khó khăn, vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa, lưu thông theo chỉ đạo của Trung ương.
Trải qua 76 năm Ngành thanh tra, 65 năm thanh tra Ngành GTVT, lớp lớp thế hệ làm công tác thanh tra Ngành GTVT đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngành.
Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra
Lâm Văn Hoàng