Đến năm 2022, có 9 tuyến buýt điện được mở mới trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất về triển khai thực hiện mở thí điểm các tuyến buýt điện trên địa bàn TP, căn cứ theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội về phương thức thực hiện và lộ trình dự kiến thực hiện trong năm 2021, 2022 đối với các tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Được biết, thời gian dự kiến triển khai chương trình thí điểm là từ 2/12/2021.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, Sở GTVT là đơn vị quyết định phương thức thực hiện đặt hàng đối với 9 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm 12 tháng theo thẩm quyền. Đồng thời nghiên cứu áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng, đặt hàng cho loại hình xe buýt điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1714/VPCP-CN ngày 17/3/2021. Tổ chức triển khai các thủ tục mở mớ các tuyến xe buýt điện trong năm 2021, 2022 theo quy trình, quy định.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai thí điểm vận hành các tuyến buýt công cộng bằng xe điện sẽ được đề xuất thí điểm trong 12 tháng, với 9 tuyến. Theo lộ trình, trong năm 2021 sẽ có 3 tuyến mở mới trong thời gian tới gồm: lộ trình Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park và Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Ocean Park và tuyến Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park.
Tới năm 2022, tiếp tục mở mới 2 tuyến Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; tuyến Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park vào quý I. Quý II/2022, tiếp tục triển khai 4 tuyến Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; Khu liên cơ Võ Chí Công - Khu đô thị Times City; tuyến Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; tuyến Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.
Đặc biệt, TP sẽ ưu tiên mở trước các tuyến buýt có lộ trình kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Sở GTVT Hà Nội kiến nghị và đề xuất UBND TP chấp thuận, cho phép Sở GTVT quyết định phương thức thực hiện đặt hang đối với 9 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm 12 tháng. Triển khai lộ trình mở mới các tuyến xe buýt điện theo như nội dung đề xuất. Trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Công ty CP Bến xe Hà Nội sẽ có trách nhiệm rà soát, bố trí các vị trí đỗ làm điểm đầu, điểm cuối, đảm bảo đủ điều kiện về mặt bằng, vị trí đỗ trước khi các tuyến buýt đi vào hoạt động.
Với mức giá sử dụng phương tiện xe buýt điện, Sở GTVT Hà Nội đề xuất áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải HKCC bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG).
Theo ý kiến của các sở được lấy ý kiến, về cơ bản phương án đề xuất của Sở GTVT về phương thực đặt hang đối với dịch vụ vận tải HKCC bằng xe buýt điện là hợp lý. Với số lượng là 9 tuyến trong 12 tháng. Về lộ trình mở tuyến, Sở Tài chính đề nghị Sở GTVT căn cứ theo tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP và quy hoạch mạng lưới tuyến buýt, xem xét lộ trình đảm bảo hoạt động của xe buýt điện đạt hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục triển khai.