Qua đó, tạo sức bật để tỉnh tiếp tục phát triển thành địa phương mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đứng trong Top đầu cả nước về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người.
Điểm đầu tuyến Quốc lộ 56 – đoạn tránh thành phố Bà Rịa. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN
Phát triển đồng bộ
Qua 30 năm xây dựng và phát triển (1991 - 2021), Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước tiến vượt bậc về hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương và đất nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong những năm đầu thành lập, hệ thống giao thông đô thị và nông thôn của tỉnh có tổng chiều dài chưa đến 1.000 km, chủ yếu là những tuyến đường cũ, nhỏ hẹp, phần lớn là đường trải đá dăm và cấp phối; chỉ có một số ít tuyết đường trải nhựa, nhưng đã xuống cấp. Đó là chưa kể, các công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước, thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh cũng chưa được đầu tư đồng bộ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để phát triển hạ tầng giao thông, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã triển khai các cơ chế, chính sách mới để huy động nguồn lực của doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, sau này đã được Trung ương tổng kết xây dựng thành hệ thống pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Kết quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông đường bộ của tỉnh đã nhanh chóng được cải thiện.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh đã cơ bản hoàn thành bộ khung kết cấu chung với tổng chiều dài 4.380km. Chất lượng hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện, từ chỗ chỉ có hơn 100 km đường nhựa và đã có 2.625 km đường trải nhựa hoặc bê tông nhựa, tăng gấp 25 lần. Từ các trung tâm của tỉnh, huyện và các khu đô thị đã có các tuyến đường kết nối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 100% các xã đều có đường giao thông trải nhựa đến trung tâm xã.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng hệ thống cảng thủy nội địa đảm nhiệm vai trò trung chuyển hàng hóa cho hệ thống cảng biển; đồng thời, phục vụ dân sinh, phục vụ chuyên chở vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách và du lịch, phục vụ hoạt động khai thác hải sản,…
Đến năm 2020, tỉnh đã đưa vào hoạt động 36 tuyến, luồng đường thủy nội địa với tổng chiều dài 324 km, phân bố trong đất liền và huyện đảo Côn Đảo. Tỉnh có 71 cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách, hậu cần nghề cá,…
Đề cập về một số tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí thông tin: Hiện nay, các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56 qua địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch. Các tuyến giao thông kết nối nội vùng như: đường vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép từng bước được đầu tư để kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển. Từ đó, thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, cảng biển, cảng thủy nội địa và trung tâm logistics của tỉnh.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Cầu Phước An kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và khu vực Tây Nam Bộ đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư sau khi thực hiện hoàn thành công tác lựa chọn kiến trúc cầu Phước An. Các dự án đường vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã được quy hoạch.
Đối với giao thông đường thủy, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với khu vực Tp.Hồ Chí Minh thông qua tuyến luồng Gò Gia - Đồng Tranh, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, thu hút đầu tư.
Kết nối đa phương thức, liên vùng
Đường tỉnh ĐT.994 (đường ven biển), điểm đầu giao với đường Vành đai 4
tại thị xã Phú Mỹ, điểm cuối giao với QL 55 tại huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN
Ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, Viện Chiến lược phát triển Giao thông vận tải cho biết, mặt dù giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành được bộ khung với các trục dọc và trục ngang, cơ bản đáp ứng giao thông kết nối liên vùng nhưng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối cảng biển Cái Mép – Thị Vải với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế và quy hoạch được duyệt.
Hơn nữa, Quốc lộ 51 hiện đã quá tải, thường xuyên ùn tắc và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt hiệu quả khai thác cảng biển và thu hút đầu tư. Các trục dọc đi theo đường liên cảng và cụm cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai) còn thiếu.
Do vậy, việc sớm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vai trò hết sức quan trọng không chỉ cho tỉnh mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi, đây là cửa ngõ hàng hải, trung chuyển, kết nối với quốc tế.
Với phương châm phát triển đồng bộ, tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra một trong những khâu đột phá giai đoạn 2020 - 2025 là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai, hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực đưa kinh tế của địa phương phát triển.
Tỉnh cũng đã xác định nhiều dự án trọng điểm để tập trung thực hiện trong giai đoạn này, như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường khu vực Bãi Sau.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh khẳng định: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh đều là các dự án trọng điểm có tính bứt phá để kết nối giao thông liên vùng.
Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải kết nối tất cả các cảng, khu công nghiệp vào hệ thống giao thông chung; các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng được tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng. Điều này giúp đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối và phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng của các địa phương của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Liên quan đến các giải pháp phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông trên địa bàn, ông Trần Thượng Chí cho hay, tỉnh tiếp tục triển khai thi công, hoàn thành các tuyến giao thông nội vùng như: đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép, tuyến Quốc lộ 56 – đoạn tránh thành phố Bà Rịa, Tỉnh lộ 328, Tỉnh lộ 329, đường 765, đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao – Hòa Bình để kết nối các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch, đô thị mới và vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đầu tư đường Long Sơn - Cái Mép kết nối từ đường vào Khu công nghiệp hóa dầu Long Sơn với đường 991B; đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải kết nối đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép; đường trục chính Bà Rịa -Vũng Tàu; đường kết nối từ đường Hội Bài – Phước Tân vào Khu công nghiệp Đá Bạc. Đồng thời, nâng cấp Tỉnh lộ 44B huyện Đất Đỏ, Tỉnh lộ 997, Đường quy hoạch 991, Tỉnh lộ 994, đường Bà Rịa - Châu Pha...
Đối với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Sở Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm có giải pháp về nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư và bổ sung tuyến đường sắt kết nối từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai vào tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy tiến độ dự án nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo để phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; phối hợp nhà đầu tư xây dựng sân bay Hồ Tràm và thực hiện di dời sân bay Vũng Tàu qua khu vực Gò Găng để phát triển khu vực đô thị Vũng Tàu.
Nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa, Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu cũng hoàn thiện Đề án xây dựng Trung tâm kiểm hóa chuyên ngành tại Phú Mỹ; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ trong giai đoạn năm 2021 – 2025 sớm trở thành trung tâm logistics quốc gia. Việc hình thành các Trung tâm này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hệ thống Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các hãng tàu và chủ hàng.
Một giải pháp nữa được Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra là hoàn thành quy hoạch và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư Cảng tàu khách quốc tế để phát triển du lịch chất lượng cao, góp phần nâng tầm đô thị Vũng Tàu.
Song song đó, tỉnh tiếp tục các giải pháp để tăng sản lượng hàng hóa bằng tàu biển thông qua hệ thống cảng với tăng trưởng bình quân từ 10-15%/năm; trong đó, hàng container tăng trưởng bình quân 20%/năm, tăng hiệu suất khai thác cảng lên từ 65 - 70% vào năm 2025.