Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ, cấp II. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 50,6 km; tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, các phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), dự kiến các khu tái định cư (TĐC), gói thầu, tiến độ triển khai thực hiện. Đến nay, Ban quản lý dự án đang phối hợp tổ chức thực hiện công tác khảo sát hiện trường theo đúng chủ trương, tiêu chuẩn quy định, khối lượng công việc đạt khoảng 90%. Về công tác GPMB, bố trí TĐC, tổng số 470 hộ dân bị ảnh hưởng, khoảng 275 hộ cần bố trí TĐC, dự kiến 7 khu vực bố trí TĐC. Trong đó, huyện Kim Bôi khoảng 95 hộ, huyện Lương Sơn khoảng 20 hộ, TP Hòa Bình khoảng 153 hộ, huyện Đà Bắc khoảng 7 hộ. Hiện tiếp tục phối hợp các địa phương để lên phương án cụ thể công tác GPMB, bố trí TĐC...
Các đại biểu cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Hiện, dự án chưa được bố trí nguồn vốn năm 2021, dẫn tới ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt trên địa bàn xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đang là vùng cấp độ 4, ảnh hưởng đến tiến độ khảo sát địa hình, địa chất trên hiện trường và công tác điều tra GPMB...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, mang lại hiệu quả KT-XH rất lớn cho địa phương. Thời gian tới, đồng chí đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai; các cấp, ngành tích cực vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân để các đơn vị triển khai thi công. Cần khảo sát, nghiên cứu kỹ địa hình, địa chất để có bản vẽ bám sát thực tế, chi tiết. Trước mắt, các địa phương phối hợp đơn vị tư vấn xác định điểm TĐC, điểm đổ thải, quá trình tiến hành đổ thải phải đảm bảo được san bằng đúng quy định, đảm bảo môi trường, tránh lãng phí. Lưu ý việc xác định các tuyến đường hạn chế ảnh hưởng đến hộ dân cư.
Để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện hồ sơ thẩm tra đảm bảo pháp lý, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị bổ sung thành viên trong Tổ công tác. Đối với các khu TĐC, Ban Quản lý các công trình giao thông triển khai các bước lựa chọn đơn vị tư vấn. Các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo triển khai nhiệm vụ tại địa phương. Trong công tác GPMB phải làm kỹ khâu đo đạc; bố trí các khu TĐC tránh lãng phí...