Theo đó, Bộ Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
Đề nghị sửa đổi Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010, trong đó: (i) Bổ sung quy định để xử lý các vấn đề liên quan đến phạm vi hành lang an toàn đường bộ khi nâng cấp quy hoạch các tuyến quốc lộ thành cấp kỹ thuật cao hơn, không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng của các hộ dân dọc hai bên tuyến; (ii) Bổ sung quy định cho phép giải phóng mặt bằng, thu hồi hết diện tích đất đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới; (iii) Bổ sung quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với phần cầu chạy trên cạn kể cả phần cầu chạy trên phần đất không ngập nước thường xuyên trên các tuyến cao tốc, quốc lộ đối với cầu phạm vi ngoài đô thị.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau:
Đối với việc bổ sung quy định để xử lý các vấn đề liên quan đến phạm vi hành lang an toàn đường bộ khi nâng cấp quy hoạch các tuyến quốc lộ thành cấp kỹ thuật cao hơn, không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng của các hộ dân dọc hai bên tuyến: Giới hạn hành lang an toàn đường bộ xác định theo quy hoạch đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chia theo cấp đường . Việc sử dụng hành lang an toàn đường bộ đã được quy định cụ thể tại Điều 43 Luật Giao thông đường bộ .
Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý hết những vấn đề tồn tại, bất cập như phản ánh của cử tri (khi nâng cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ cao hơn, phạm vi hành lang an toàn đường bộ sẽ được mở rộng dẫn đến các hộ dân nằm trong hành lang theo quy hoạch sẽ không được cơi nới, mở rộng ). Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của cử tri về nội dung này và sẽ nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi trong thời gian tới.
Về nội dung bổ sung quy định cho phép giải phóng mặt bằng, thu hồi hết diện tích đất đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới, như nội dung tại Mục 1 nêu trên, việc quản lý, sử dụng công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ đã được quy định cụ thể tại Điều 43 Luật Giao thông đường bộ, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ . Như vậy, các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã tương đối đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Đối với việc thu hồi hết diện tích đất đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ không được xây dựng lại nhà ở mới, theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, để thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông (các công trình, cây cối nằm trong hành lang an toàn đường bộ, khu vực điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông) và bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất, kinh phí dự kiến (chưa đầy đủ do việc xác định phức tạp) khoảng 129.277 tỷ đồng (số liệu thống kê đến tháng 4/2017). Đây là khoản kinh phí rất lớn, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên Quốc hội, Chính phủ không thể cân đối được. Do vậy, việc “giải phóng mặt bằng, thu hồi hết diện tích đất đối với phần diện tích còn lại nằm trong phạm vi hành lang an toàn của đường bộ, không được xây dựng lại nhà ở mới” theo kiến nghị của cử tri không khả thi tại thời điểm hiện nay.
Về nội dung bổ sung quy định về hành lang an toàn đường bộ đối với phần cầu chạy trên cạn kể cả phần cầu chạy trên phần đất không ngập nước thường xuyên trên các tuyến cao tốc, quốc lộ đối với cầu phạm vi ngoài đô thị, giới hạn hành lang an toàn đường bộ đối với cầu, cống nằm ngoài phạm vi đô thị đã được quy định tại Điều 16 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng chung cho cả cầu cạn và cầu ngập nước (bao gồm cả phần không ngập nước thường xuyên). Ghi nhận ý kiến của cử tri, Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục ĐBVN, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hành lang an toàn đối với cầu ngoài đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế, khi xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.