Phú Thọ: Nỗ lực nâng cấp hạ tầng giao thông

Thứ tư, 22/12/2021 08:25

Thời gian qua, mặc dù đã nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn để nâng cấp, mở mới, nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông đường bộ, nhất là những tuyến đường huyện kết nối với các trục chính, các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh Phú Thọ vẫn còn nhiều bất cập, xuống cấp cần sớm được đầu tư, xử lý.

Tuyến đường ĐT323L qua địa phận xã Hợp Nhất (huyện Đoan Hùng)
dài 15km đang xuống cấp nghiêm trọng

Theo thống kê của ngành Giao thông vận tải, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 10.000km đường giao thông, trong đó quốc lộ chiếm 2,81%, đường tỉnh 7,31%, đường huyện 7,8%, còn lại là đường liên xã, thôn xóm và đường đô thị. Mạng lưới giao thông được phân bố tương đối hợp lý. Các tuyến quốc lộ tạo nên trục “xương sống” của hệ thống giao thông, các tuyến đường tỉnh, đường huyện đóng vai trò kết nối, xuyên suốt, góp phần lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân; đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều địa phương, hệ thống giao thông đường bộ, nhất là đường huyện còn nhiều tuyến xuống cấp cần sớm có sự đầu tư. Điển hình là các địa phương có nhiều tuyến đường huyện như Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Ba , Phù Ninh, Đoan Hùng… số lượng chưa tương xứng với chất lượng. Trải qua thời gian, dưới tác động của thời tiết và chịu tải từ các phương tiện giao thông, nhiều tuyến đường cấp phối, đường đá dăm đã xuống cấp, đường đất bị xói lở ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa và đời sống của nhân dân.


Khẩn trương hoàn thành cầu Dẹ 1 (Võ Miếu - Thanh Sơn)

Trên địa bàn huyện Phù Ninh, các tuyến đường ĐT323E, 323D, 323G đi qua các xã Trạm Thản, Phú Mỹ, Lệ Mỹ, Liên Hoa, Bảo Thanh, Phú Lộc… tình trạng mặt đường xuống cấp, bong tróc, lồi lõm ổ trâu, ổ gà, có những vị trí lầy thụt khiến lưu thông khó khăn. Có những tuyến vừa đưa và khai thác đã xuống cấp như tuyến ĐT323G thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp đi qua địa phận bốn xã Trạm Thản, Phú Mỹ, Lệ Mỹ, Liên Hoa. Nguyên nhân xuất phát từ việc những hộ dân có tuyến đường đi qua không bàn giao mặt bằng để thi công rãnh dọc theo thiết kế được duyệt dẫn đến mặt đường thường xuyên bị tụ nước gây ngập úng, nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. 

Trên địa bàn huyện Cẩm Khê, chạy dọc các xã Yên Dưỡng, Điêu Lương, Văn Khúc, Chương Xá, Phú Lạc đi xã Tạ Xá... thuộc tuyến ĐT313C, 313E đang trong tình trạng xuống cấp. Cẩm Khê có gần 65km đường huyện, thời gian qua, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để cải tạo và nâng cấp các tuyến giao thông. Với mục tiêu lấy nâng cấp cải tạo là chính, song do địa bàn rộng, địa hình bán sơn địa, đồng ruộng xen kẽ gò đồi, nguồn lực đầu tư cho giao thông lớn; trong khi ngân sách hạn hẹp... nên hàng năm số lượng đường giao thông được nâng cấp chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chị Hoàng Thị Thủy - hộ kinh doanh hàng tạp hóa ở gần trường tiểu học Tạ Xá 1 chỉ tay về phía những ổ voi, ổ trâu còn đọng nước mưa nói: “Đường xuống cấp, học sinh qua lại rất vất vả, trời nắng thì bụi, mua thì bùn lầy, có cháu đến trường trong tình trạng quần áo lấm lem vì ngã do đường trơn trượt. Bên cạnh đó giá cước vận chuyển hàng hóa tăng theo, nông sản của chúng tôi làm ra bị tư thương ép giá”.

Nếu như ở Hạ Hòa, Cẩm Khê, Phù Ninh… các tuyến đường huyện được đầu tư cứng hóa cách đây 13 đến hơn 15 năm, thì ở Thanh Sơn, Tân Sơn, là đường cấp sáu miền núi đã xuống cấp. Mong muốn của người dân ở hai huyện này không chỉ nâng cấp các tuyến đường mà còn sớm được hoàn thiện hệ thống cầu vượt lũ trên các tuyến giao thông trọng yếu, huyết mạch, hạn chế chia cắt giữa các xã khu vực thượng huyện với trung tâm huyện vào mùa mưa bão. Hàng năm, huyện Tân Sơn thường hứng chịu nhiều đợt lũ ống, lũ quét ảnh hưởng đến giao thông, vận chuyển hàng hóa, lương thực của nhân dân tám xã phía Tây và Đông Nam của huyện như: Kiệt Sơn, Lai Đồng, Đồng Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Kim Thượng, Xuân Đài, Vinh Tiền. Mỗi khi mùa mưa lũ về, nước suối dâng cao, chảy siết làm nhiều địa bàn bị cô lập, khiến đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ hệ thống đường đô thị được đầu tư đồng bộ, song nhiều đoạn chưa  được khơi thông, nạo vét cống rãnh thường xuyên; có tuyến không có hệ thống thoát nước dọc... hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, chăn nuôi chưa qua xử lý ra hệ thống rãnh này dẫn đến tình trạng ùn ứ nước thải cục bộ ở một số đoạn, trong từng thời điểm xả thải gây mùi hôi, thối; nhiều hộ không bàn giao mặt bằng để hoàn thiện rãnh dọc theo thiết kế được duyệt … Trong khi đó tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng; tỷ lệ phương tiện xe cơ giới ngày càng nhiều; hoạt động ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển chưa nói đến vấn đề quá tải trọng; cộng với tác động của thời gian, thời tiết... đã góp phần làm cho các tuyến đường nhanh xuống cấp.

Để khắc phục tình trạng trên, tại kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX yêu cầu Sở Giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, làm tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa kịp thời hệ thống báo hiệu đường bộ hiện có hoặc lắp đặt bổ sung biển báo khi có yêu cầu phát sinh; tham mưu, đề xuất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, cân đối nguồn lực để xây dựng hệ thống rãnh hộp kín thay thế những đoạn rãnh hở để giảm thiểu ô nhiễm, môi trường; đồng thời sẽ tiến hành lắp đặt đèn tín hiệu cảnh báo giao thông tại những nơi quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường dân sinh đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông...

Nguồn: Báo Phú Thọ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:161933
Lượt truy cập: 176.429.778