Công tác chuyển đổi số của Bộ GTVT đã thay đổi một cách bản chất so với giai đoạn trước đây

Thứ bẩy, 25/12/2021 09:49

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng khẳng định: có thể nói công tác xây dựng Chính phủ điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung của Bộ đã đạt được những bước tiến mới, thay đổi một cách bản chất so với giai đoạn trước đây.

Chuyển đổi số gắn liền với mọi hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị

Theo ông Lê Thanh Tùng, nhờ có sự quyết tâm của Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng đều quan tâm đến công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Bộ. Nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về tầm quan trọng của công tác xây dựng Chính phủ điện tử đã có bước chuyển biến nhất định.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng
chứng kiến lễ ký hợp tác về công nghệ thông tin giữa
Trung tâm CNTT và các cơ quan thuộc Bộ TTTT

"Trong các cuộc họp giao ban định kỳ, chuyển đổi số trở thành một nội dung được kiểm điểm thường xuyên, cụ thể và liên tục. Việc xác định tầm quan trọng của công tác này với việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải đã tạo nên một chuyển biến mới, một cách làm mới: sâu sát và quyết liệt", Giám đốc Trung tâm CNTT Lê Thanh Tùng cho biết.


Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT Lê Thanh Tùng
báo cáo về công tác chuyển đổi số của Ngành GTVT tại

Hội nghị Tổng kết công tác toàn ngành năm 2021

Cũng theo Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT, số lượng các cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử tăng đột biến so với các năm trước. Các buổi làm việc của Lãnh đạo Bộ với các đơn vị trực thuộc Bộ về nội dung này đã thường xuyên hơn. Các đồng chí cấp trưởng các đơn vị thuộc Bộ ngày càng sát sao trong tổ chức thực hiện và là người chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao về xây dựng Chính phủ điện tử. Với quyết tâm đó, năm 2021, Bộ Giao thông vận tải được xếp loại “Khá” về chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ và là một trong hai Bộ được xếp hạng A về chỉ số đảm bảo an toàn thông tin mạng.

"Có được những chuyển biến tích cực này là do quá trình nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, ghi nhận hướng đi đúng đắn, đó là chuyển đổi số phải được xuất phát từ sự quyết liệt của lãnh đạo, chuyển đổi số không đi từ công nghệ mà phải đi từ xây dựng thể chế", ông Lê Thanh Tùng nói rõ, đồng thời cho biết thêm, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 2.0); Chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 với các nhiệm vụ được tập trung một cách nhất quán, xuyên suốt.


Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Lê Thanh Tùng
tại Hội nghị chuyển đổi số Ngành GTVT

Trong đó, chuyển đổi số gắn liền với mọi hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị, không phải là nội dung tách rời, hiện đại hoá các nghiệp vụ thủ công như trước đây. Đây là một quá trình khó khăn vì phải thay đổi thói quen làm việc dựa trên hồ sơ giấy chuyển sang dữ liệu số, trao đổi dữ liệu điện tử thay vì công văn giấy tờ, sử dụng dữ liệu điện tử thay vì dựa trên hồ sơ lưu trữ và nhiều sự thay đổi khác. Các quy trình nghiệp vụ được hiện đại hoá trên cơ sở ứng dụng công nghệ, chứ không đơn thuần là tin học hoá các nghiệp vụ đang thực hiện theo hướng thủ công và khi đó cán bộ ngành Giao thông vận tải sẽ xử lý các nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu. Các ứng dụng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; thẩm định, theo dõi kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đăng kiểm phương tiện; quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải; quản lý tàu biển và cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng biển Việt Nam là những ví dụ điển hình trong nhiều ứng dụng đang được triển khai mạnh mẽ tại các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, và đó là những thành công ban đầu.

Bộ Giao thông vận tải đang cung cấp 296 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 408 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 72,5%, trong đó có 271 dịch vụ ở mức độ 4). Trong năm 2021, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận và xử lý 447.557 hồ sơ trực tuyến với hơn 150 nghìn doanh nghiệp tham gia, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ đạt 70,83% (tăng 21 % so năm 2020). Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện (tăng 8% so với năm 2020). Đây là một trong những điểm sáng của Bộ Giao thông vận tải trong chuyển đổi số gắn kết với công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì số lượng ứng dụng cần phải xây dựng còn rất lớn. Theo Kiến trúc Chính phủ điện tử, hiện Bộ Giao thông vận tải mới chỉ tạo lập được 31/76 (tỷ lệ 40,79%) bộ cơ sở dữ liệu phục vụ nghiệp vụ cần chuyển đổi số, đó là một con số còn khiêm tốn và cần tăng tốc trong thời gian tới. Khối lượng công việc là rất lớn nên rất cần sự tập trung, tích cực trong triển khai, thực hiện của tất cả các cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung cần phải nhanh chóng thực hiện trong năm 2022. Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải (phiên bản 2.0) đã định hướng rất rõ vai trò, vị trí của Cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung gồm 04 thành phần là Cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông, Cơ sở dữ liệu phương tiện, Cơ sở dữ liệu người điều khiển phương tiện và Cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Giao thông vận tải. Cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung với ba vai trò là dữ liệu pháp lý làm cơ sở cho các hoạt động hỗ trợ ra các quyết định; liên thông và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu cho xã hội. Dữ liệu nền tảng dùng chung là tài sản quan trọng của ngành Giao thông vận tải, thay đổi quan niệm ngành Giao thông vận tải chỉ là ngành tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sang quan niệm sử dụng hạ tầng số, dữ liệu số và thể chế số để quản lý và phát triển giao thông hiện đại, thuận tiện và giảm chi phí cho xã hội.

Dữ liệu phải là công cụ cơ bản ra quyết định, để làm được điều này, phải tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ của ngành một cách liên tục, thường xuyên và cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp. Thay đổi là việc khó, nhưng thay đổi là bắt buộc, không có con đường khác.

Chuyển đổi số cũng phải lấy việc phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm

Thứ ba, phải lấy việc phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp như thước đo cho mọi hoạt động. Hiện đại hoá, chuyển đổi số phải mang lại giá trị cụ thể cho từng đối tượng sử dụng, không có các hệ thống làm xong rồi nhưng không ứng dụng được, giá trị của ứng dụng không nên đo đếm chỉ bằng kinh phí đầu tư mà phải đo đếm bằng sự hiệu quả mang lại cho xã hội trên tinh thần cầu thị, tiếp thu những đóng góp của những người sử dụng trực tiếp.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trên, theo Giám đốc Lê Thanh Tùng, Ngành GTVT đã và đang  tập trung các giải pháp trọng điểm như tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nâng cao nhận thức, đầu tiên là cho cấp trưởng và lãnh đạo các đơn vị một cách thường xuyên và liên tục. Xây dựng các bộ chỉ số định lượng để có thể đo đếm được hiệu quả thay vì chỉ nâng cao, đẩy mạnh và tăng cường; Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuyển đổi số phải trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động của Bộ Giao thông vận tải. Trong đó ưu tiên việc xây dựng, chia sẻ Cơ sở dữ liệu các lĩnh vực trong quản lý, điều hành, tiến tới chia sẻ với cơ quan, đơn vị ngoài ngành Giao thông vận tải. Bộ đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án chuyển đổi số giai đoàn 2021-2025. Các đơn vị cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ này một cách hiệu quả, đúng kế hoạch đề ra theo hướng dẫn của Bộ.

"Bên cạnh đó phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và hợp tác với các Tập đoàn công nghệ thông tin lớn để xây dựng, ứng dụng nhanh hơn các nội dung chuyển đổi số của ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chính sách trong công tác chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ thông tin là những đơn vị thực thi những ứng dụng có tác động xã hội lớn như thu phí không dừng, giao thông thông minh, giám sát và điều khiển phương tiện", Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm: Chuyển đổi số trong ngành Giao thông vận tải không chỉ là việc của Bộ Giao thông vận tải, đây là một việc có tác động lớn tới mọi hoạt động của cuộc sống, tới từng người dân và doanh nghiệp với sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra lộ trình cụ thể, chi tiết cho công tác này, sự quyết tâm của toàn ngành sẽ góp phần cho sự thành công trong tương lai gần để Việt Nam trở thành một quốc gia có hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

"Chuyển đổi số là con tàu mà chúng ta không được bỏ lỡ, chúng ta phải là người lái tàu, là hành khách trên chuyến tàu cao tốc này đối với các nội dung chuyển đổi số của ngành Giao thông vận tải. Có thể nói, giờ không phải là lúc chọn có đi hay không, mà chỉ là lúc quyết định làm thế nào đi nhanh hơn, bắt kịp hơn với sự tăng tốc của toàn xã hội", Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:210427
Lượt truy cập: 176.376.351