Vì sao phải triển khai giai đoạn 2?
Tại Trà Vinh, mới đây, Ban Quản lý dự án hàng hải (Bộ GTVT) đã khởi công Dự án luồng tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, với kinh phí gần 2.600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước, thực hiện giai đoạn năm 2021-2023.
Khu vực giáp biển ở tỉnh Trà Vinh nhìn từ trên cao
Trước đó, trong giai đoạn 1, dự án đã được cấp khoảng 6.100 tỷ đồng để cải tạo, nạo vét 46,5 km luồng, bao gồm hơn 12 km sông Hậu, hơn 19 km kênh Quan Chánh Bố, đào mới thông ra biển hơn 8 km kênh Tắt và đoạn kênh biển dài 7 km.
Công trình được thông luồng năm 2016, cho phép tàu biển tải trọng 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào 13 cảng trên sông Hậu. Bình quân mỗi năm, có khoảng 1.000 lượt tàu qua luồng sông Hậu.
Tuy nhiên thực tế, tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới này, do quá trình khai thác xảy ra hiện tượng sạt lở bờ kênh Quan Chánh Bố.
Lễ khởi công dự án giai đoạn 2 diễn ra vào ngày 28/12
Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đang quản lý, khai thác hệ thống 3 cảng (Hoàng Diệu, Cái Cui và Sóc Trăng), hiện có năng lực bốc dỡ 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm nhưng chỉ khai thác 50% công suất.
Vào tháng 1/2016, để thông luồng kỹ thuật, ngành chức năng đã cắt Quốc lộ 53 và đê Hải Thạnh Hòa, theo đó, 4 địa phương thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh) gồm: Thị trấn Long Thành, xã Long Khánh, xã Long Vĩnh và xã Đông Hải và một phần xã Dân Thành đã bị chia cắt thành “xã đảo” với 38.000 dân trên diện tích 52.000ha bị ảnh hưởng. Từ khi bị chia cắt giao thông, người dân ở 4 xã nói trên gặp rất nhiều khó khăn. Để lưu thông, người dân phải qua 2 phà gồm: Phà Kênh Tắt và phà Láng Sắt (phà Tà Ni), tỉnh đã miễn thu tiền nhằm hỗ trợ cho bà con.
Trong đó, cảng Cái Cui được đầu tư cầu tàu có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn; cần cẩu chân đế 40 tấn có tầm với 28 mét nhằm đáp ứng bốc dỡ hàng từ các tàu container.
"Tuy nhiên, từ khi thông luồng tàu đến nay, chỉ có khoảng 5 chuyến tàu 20.000 tấn cập cảng, nhưng chở hàng hóa rất ít hoặc hàng hóa nhẹ như gỗ dăm, xăng dầu", ông Lê Tiến Công, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết, kênh Quan Chánh Bố nằm trong dự án luồng hàng hải được Chính phủ quan tâm đầu tư hơn 10 năm trước (khởi công năm 2009) nhằm giúp tàu lớn vào được các cảng ở ĐBSCL. Nhưng hiện đa số hàng hóa từ khu vực này phải vận chuyển bằng sà lan.
Theo ông Lam, thi công kênh Quan Chánh Bố để giải quyết luồng Định An bị bồi lấp nhưng thực tế qua khảo sát, kênh mới này đang bồi lấp rất nhiều.
Dự án khi hoàn thành sẽ mở đường phát triển mạnh mẽ cho khu vực ĐBSCL.
Sự bức thiết
Trước tình trạng trên, và cũng để khắc phục tình trạng sạt lở ven bờ, đảm bảo tính ổn định công trình, tăng tính kết nối, phục vụ dân sinh, phát huy hiệu quả đầu tư dự án và đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự địa phương, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 của dự án gồm các hạng mục như xây dựng công trình bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố và tại ngã ba kênh Quan Chánh Bố với tổng chiều dài hơn 18km, xây dựng 1 tuyến đường bộ dọc theo bờ Nam Kênh Tắt với tổng chiều dài gần 4,8km.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủi tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết thêm: Từ năm 2016 đến nay, dự án luồng tàu sông Hậu đã thực sự phát huy tác dụng và hình thành nhiều tuyến hàng hải trực tiếp từ các cảng thượng nguồn của sông Hậu để vận tải hàng hóa đi và đến khu vực ĐBSCL; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ có văn bản kiến nghị của cử tri, đề nghị Bộ GTVT có giải pháp đầu tư hoàn thiện dự án luồng tàu biển vào sông Hậu giai đoạn 2 để phát huy hiệu quả khai thác cảng Cái Cui.
Qua đó, Bộ GTVT nhìn nhận do chưa thực hiện giai đoạn 2 của dự án nên chưa phát huy hiệu quả tổng thể, làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác liên tục của luồng tàu. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ thu hút được các tàu có trọng tải đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông thường xuyên trên tuyến luồng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua hàng năm.