Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công,
phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.
Với vị trí nằm ở trung tâm của Vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, những năm qua, nhiều dự án giao thông quan trọng được triển khai trên địa bàn tỉnh như: cầu Phật Tích- Đại Đồng Thành, Đường tỉnh 287 (đoạn QL38-QL18), Dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp đường TL 278 (đoạn từ QL18 - QL38) thành phố Bắc Ninh… Theo tiến độ đầu tư, hầu hết các dự án này đều được hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong giai đoạn từ năm 2021-2025. Trong đó, các dự án: cầu Phật Tích-Đại Đồng Thành, Đường tỉnh 287 (đoạn QL38-QL18) phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2022. Bên cạnh các dự án giao thông động lực, một số khu công nghiệp mới cũng sẽ được mở trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch bổ sung đã được Chính phủ phê duyệt.
Có thể khẳng định, giai đoạn 2021-2025 các dự án hạ tầng giao thông được triển khai đầu tư khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; biến những thời cơ, tiềm năng thành lợi thế thực tế. Bởi chỉ có đầu tư, hoàn thiện đồng bộ mạng lưới giao thông nội tỉnh với mạng lưới giao thông kết nối vùng thì việc vận chuyển hàng hóa, các dịch vụ như logistics, du lịch mới có thể đột phá để phát triển. Do đó, việc tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cũng như tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho các dự án giao thông chính là hướng đi để biến các tiềm năng, cơ hội phát triển thành lợi thế phát triển.
Theo phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh phê duyệt dành một lượng vốn rất lớn đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Cụ thể, trong số 301 dự án lĩnh vực kinh tế được phân bổ nguồn vốn trong giai đoạn này sẽ có 179 dự án là các công trình xây dựng giao thông với tổng vốn đầu tư còn thiếu hơn 12.245 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ khởi công mới 16 dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 4.508 tỷ đồng và triển khai 49 dự án giao thông thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện, xã đã được phê duyệt chủ trương đầu tư (từ giai đoạn 2016-2021) nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện.
Trong đó, nhiều công trình mang tính chất tháo gỡ “điểm nghẽn” cho sự phát triển như: cầu Kênh Vàng; mở rộng cầu Ngà (trên QL18) và đường hai đầu cầu; xây dựng mới 2 đoạn Đường tỉnh 287 (đoạn từ từ xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong đến phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn và đoạn từ nút giao đường dẫn phía Bắc cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành đến nút giao QL.38 mới)… Tỉnh dự kiến bố trí 2.000 tỷ đồng tham gia vốn đầu tư “siên dự án” đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và hơn 710 tỷ đồng triển khai thực hiện Dự án Quản lý giao thông thông minh thuộc hợp phần Dự án Trung tâm điều hành thành phố thông minh cấp tỉnh…
Tuy nhiên, đối với việc phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, việc bố trí nguồn vốn cho các dự án chỉ là bước khởi đầu. Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, việc bảo đảm tiến độ các dự án cũng là yếu tố rất quan trọng. Nhiều năm qua, đối với lĩnh vực giao thông, “bài toán” giải phóng mặt bằng còn trở nên “hóc búa” hơn, bởi các dự án giao thông thường có diện tích đất giải phóng mặt bằng rất lớn, đi qua nhiều địa phương, sử dụng đất có nhiều nguồn gốc. Thực tế, những năm qua, nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng chậm tiến độ triền miên do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Cùng với việc dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh cũng triển khai các giải pháp để nâng cao công tác quản lý và hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Trong đó, chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư tập trung công tác bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm đảm bảo theo các quy tắc phân bổ, hạn chế xảy ra nợ đọng vốn đầu tư. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch năm, công tác đấu thầu, giám định chất lượng công trình chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư từ ngân sách. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung hoàn thiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm tiến độ thi công kịp thời gian. Từ đó, tăng thêm khả năng kết nối vùng, kết nối liên vùng, để Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.