Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Lạc
tăng cường tuần tra kiểm soát, kiểm tra nồng độ người điều khiển ô tô
Đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1988, ở thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc vẫn chưa khỏi xót xa, bàng hoàng khi nghĩ về cái chết thương tâm của người chồng.
Sau cuộc liên hoan với các bạn, chồng chị Hạnh một mình đi xe máy trở về nhà. Do “chất men” trong người đã thấm, anh không làm chủ được tay lái và đâm xuống kênh mương ven đường. Đêm khuya, lại đi trên đoạn đường vắng, chồng chị không được ai cứu giúp nên tử nạn.
Cuộc sống gia đình chị trước đây vốn khó khăn nay lại càng thêm vất vả hơn. Giờ đây, chị Hạnh phải một mình nuôi dạy 2 con nhỏ đang tuổi ăn học và phụng dưỡng bố mẹ già.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT. Khi đã sử dụng loại đồ uống này vượt quá mức cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ không kiểm soát được hành vi, dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… là nguyên nhân gây ra va chạm, cướp đi cuộc sống của nhiều người và làm nhiều gia đình rơi vào bi kịch.
Việc xử lý "ma men" điều khiển phương tiện tham gia giao thông của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do hành vi chống đối, bất hợp tác của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm như: Cố ý không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng; nhấn ga, tăng tốc, đâm thẳng vào các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ; cố thủ trong xe, có trường hợp biết rõ lỗi vi phạm nên đã khóa xe, bỏ đi.
Nhiều đối tượng vi phạm ATGT còn có hành vi thô lỗ, phát ngôn xúc phạm, lăng mạ lực lượng chức năng… Phổ biến nhất là các trường hợp vi phạm khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cố tình thổi không đúng như hướng dẫn liên tiếp nhiều lần, gây khó khăn trong việc xác định kết quả.
Hạn chế TNGT, nhất là TNGT có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu, bia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, lực lượng CSGT chủ động phối hợp với phòng nghiệp vụ, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền về văn hóa giao thông đến các doanh nghiệp, nhà trường và đông đảo nhân dân.
Phát các thông điệp, tài liệu, băng đĩa về Luật ATGT đường bộ, phân tích các lỗi gây ra TNGT, quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Qua đó, nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những biện pháp quan trọng góp phần giảm thiểu TNGT.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT chủ động điều tra cơ bản, khảo sát, nắm bắt tình hình các tuyến, địa bàn để xác định quy luật hoạt động, thời điểm có nhiều người điều khiển xe tham gia giao thông sử dụng rượu bia để bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm kịp thời, hiệu quả.
Năm 2021, lực lượng CSGT đã tuần tra kiểm soát, xử lý chuyên đề ma túy, nồng độ cồn, dừng kiểm soát gần 25.000 phương tiện; phát hiện và lập biên bản xử lý gần 1.700 trường hợp vi phạm (giảm 16% trường hợp so với cùng kỳ năm 2020) số tiền phạt gần 7 tỷ đồng; tạm giữ 1.685 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời gian hơn 1.000 trường hợp.
Với sự nỗ lực vào cuộc của lực lượng chức năng, giờ đây, câu nói “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, được mọi người nhắc nhở nhau thường xuyên, kể cả trong các cơ quan, đơn vị. Thói quen ép người khác uống rượu, bia của một số người cũng thay đổi, tình trạng vi phạm nồng độ cồn giảm nhiều.
Tuy nhiên, người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn còn xảy ra. Chỉ trong 20 ngày đầu thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT - TTATGT Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và các sự kiện lớn của đất nước, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý gần 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Nhằm đảm bảo TTATGT, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2022, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quyết liệt xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn, kiên quyết không có ngoại lệ nhằm hạn chế, ngăn chặn tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông nhận thức được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.