Công trình mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí, khát vọng vươn lên, vươn xa của Hải Phòng theo định hướng phát triển kinh tế gắn với biển. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư 2.265 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Lễ thông xe kỹ thuật cầu Rào 1
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hơn 40 năm qua, cầu Rào đã đảm nhiệm vai trò, chức năng kết nối giao thông ra, vào trung tâm TP Hải Phòng trên trục đường Lạch Tray, đường tỉnh 353 (nay là đường Phạm Văn Đồng), đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng). Sau nhiều năm sử dụng, công trình đã xuống cấp, không đáp được ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Vì vậy việc xây dựng cầu Rào mới là cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông, đảm bảo các mục tiêu phát triển theo quy hoạch của thành phố.
“Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP Hải Phòng đồng bộ, văn minh, hiện đại, thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo chủ đề năm 2022 của thành phố là “Đẩy mạnh Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị- Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số” - ông Nguyễn Văn Tùng thông tin.
Theo thiết kế, Cầu Rào mới là công trình vĩnh cửu được xây dựng bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, gồm 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 6 làn xe, kết nối trực tiếp đường 353 với đường Lạch Tray trên trục chính giao thông vào trung tâm TP Hải Phòng. Các cầu nhánh rộng 9,0m, 2 làn xe, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường Bùi Viện và Lạch Tray.
Tại 2 đầu cầu là 2 công viên cảnh quan, cây xanh, đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật và báo hiệu an toàn giao thông đồng bộ, hiện đại trên vòm cầu cũng như dọc tuyến cầu và hệ thống đường dẫn...
Sau hơn 13 tháng nỗ lực thi công (từ tháng 12/2020) vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế trong nước, công trình đã hoàn thành xây dựng các hạng mục chính, đáp ứng yêu cầu thiết kế và có thể đưa vào khai thác tạm thời để phục vụ việc đi lại của Nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Công trình được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Hải Phòng trong những năm tới đây, là điểm nhấn kiến trúc, mở rộng cảnh quan xanh tại cửa ngõ phía Nam của “Thành phố hoa phượng đỏ”, góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; từng bước cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không”.