Hà Nội: Giảm ùn tắc với những giải pháp cụ thể

Thứ sáu, 11/02/2022 09:31

Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã sớm xây dựng và ban hành kế hoạch xử lý ùn tắc giao thông với mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể, trong đó sẽ giải quyết 8-10 điểm ùn tắc, kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới, gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Cùng với đó, thành phố yêu cầu siết chặt kỷ cương với người thực thi công vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và điều hành giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông...


Tổ chức giao thông hợp lý, lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu sẽ giúp giảm ùn tắc.

Ùn tắc giao thông đang dần được kiểm soát

Một trong những điểm nhấn về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2021 là thành phố đã giải quyết được 10/37 điểm ùn tắc giao thông nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác. Nhiều điểm trước đây thường xuyên xảy ra ùn tắc như tuyến đường Liễu Giai, Đào Tấn, Đàm Quang Trung, đường Láng..., nay đã thông thoáng hơn sau khi thành phố thực hiện các dự án xén dải phân cách để mở rộng mặt đường; lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu; tăng cường lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông trong giờ cao điểm.

Các địa phương cũng đã nỗ lực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp phù hợp nhằm từng bước giải quyết những điểm ùn tắc giao thông. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, quận thường xuyên khảo sát để kịp thời phát hiện bất cập trong tổ chức giao thông, từ đó chủ động phối hợp với các đơn vị của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội khắc phục. Qua đó, cơ quan chức năng đã di dời 6 đảo chờ xe buýt trên tuyến đường Láng và Xã Đàn, bổ sung biển báo, biển cấm nhằm giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.

“Thành phố Hà Nội đã có các giải pháp đồng bộ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song cũng cần thẳng thắn thừa nhận, ùn tắc được kiểm soát có một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều thời điểm, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, lượng phương tiện tăng cao khiến nhiều tuyến đường đã ùn tắc trở lại. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa”, anh Nguyễn Minh Dũng (103 Kim Đồng, quận Hoàng Mai) nói.

Nhận diện rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp

Mặc dù đã giảm nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn tồn tại 35 điểm ùn tắc giao thông (một số điểm mới phát sinh do thành phố thực hiện rào chắn để triển khai các dự án hạ tầng giao thông). Qua khảo sát, cơ quan chức năng đã phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý phù hợp. Như khu vực phía Bắc cầu Chương Dương ùn tắc là do lưu lượng phương tiện trong giờ cao điểm lớn; mặt cắt ngang vào cầu bị thu hẹp... Với điểm ùn tắc này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất thành phố giao UBND quận Long Biên lắp đặt hệ thống camera giám sát. Với điểm cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, ùn tắc là do lưu lượng phương tiện lớn, nhiều làn xung đột giao thông; cộng với việc rào chắn thi công tại khu vực cầu Mai Động. Để giải quyết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Vành đai 2; đồng thời tổ chức giao thông một chiều đối với ô tô trên tuyến đường Kim Ngưu...

Trên cơ sở danh mục các điểm ùn tắc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể để giải quyết; tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời đề xuất xử lý các điểm phát sinh ùn tắc giao thông mới. Năm 2022, Sở lên phương án giải quyết dứt điểm 8-10 điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, muốn giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông phải có hệ thống kết nối giao thông đồng bộ triển khai theo quy hoạch. Tuy nhiên, để làm được điều này cần nguồn lực đầu tư lớn nên phải giải quyết dần từng bước. Trong khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thành phố đã lựa chọn giải pháp tổ chức giao thông hợp lý bằng cách tối đa hóa mạng lưới giao thông hiện có; trong đó, quy định hoạt động cho từng tuyến đường, cung đường, phạm vi hoạt động, giờ hoạt động đối với các loại phương tiện. Bên cạnh đó là tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân; tăng cường ứng dụng hệ thống giao thông thông minh. Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm, trật tự an toàn giao thông.

Tại Kế hoạch số 316/KH-UBND ngày 29/12/2021 về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố năm 2022, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, gắn trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã trong việc giảm ùn tắc giao thông; tiếp tục thông tin tuyên truyền theo chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”...

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:248389
Lượt truy cập: 176.135.882