Tuy nhiên, những tiện ích trên cùng với sự gia tăng đến chóng mặt về số lượng phương tiện và ý thức chủ quan của người sử dụng khiến XĐĐ, XMĐ đang trở thành nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với loại phương tiện này.
Trong vài năm trở lại đây, trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, người tham gia giao thông thường bắt gặp hình ảnh phổ biến: các em học sinh (nhất là học sinh bậc THPT) và một số chị em phụ nữ ở độ tuổi trung niên điều khiển XĐĐ, XMĐ không đội mũ bảo hiểm (MBH) hoặc treo MBH trên xe. Không dừng lại ở đó, vào giờ tan học, trên một số tuyến đường, nhiều em học sinh đi XĐĐ, XMĐ không đội MBH, dàn hàng ngang, đi không đúng làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại di động, nói chuyện, đùa giỡn trong lúc điều khiển phương tiện giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Cá biệt, một số em còn lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ cao TNGT. Thực trạng đó khiến nhiều người tham gia giao thông không khỏi lo lắng.
Ảnh minh họa
Anh Nguyễn Văn Nhân (Tổ dân phố Bảo Lộc 1, phường Thanh Châu, TP Phủ Lý) cho biết: Ngày nào đi làm về, tôi cũng gặp những nhóm học sinh đi XĐĐ, XMĐ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nhiều học sinh lưu thông trên đường bằng XĐĐ, XMĐ còn dùng tay kéo bạn đi xe đạp vô cùng nguy hiểm. Không những vậy, các em còn vượt ẩu, không ra tín hiệu xin vượt khiến tôi và nhiều người đi đường không ít lần giật mình.
Cùng chung tâm trạng lo lắng đó, anh Đào Văn Thuận (Thôn 4, xã Tràng An, Bình Lục) chia sẻ: Nhà tôi ở ngay trước cổng Trường THPT C Bình Lục, mỗi giờ tan học các cháu lại tụ tập, dàn hàng ba, hàng bốn trên đường, gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, từ khi có tuyến đường nối hai cao tốc (Hà Nội, Hải Phòng - Ninh Bình, Cầu Giẽ) chạy qua địa bàn thôn, mặc dù ngành chức năng đã lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng nhiều cháu không chấp hành theo quy định, vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 48 nghìn XMĐ và hơn 8 nghìn XĐĐ lưu thông. Các loại XĐĐ, XMĐ đang sử dụng khá đa dạng với nhiều chủng loại có xuất xứ từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và các nhà sản xuất trong nước. Trong 2 năm (2020 - 2021), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn, va quệt giao thông liên quan đến XĐĐ, XMĐ, làm chết 1 người, làm bị thương 13 người. Lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xử lý 136 trường hợp vi phạm và thông báo mời gia đình đến xử lý 103 trường hợp; nhắc nhở cảnh cáo 187 trường hợp. Các hành vi vi phạm chủ yếu của học sinh là: đi XĐĐ, XMĐ không đội MBH, lạng lách, đánh võng, kéo nhau, đi dàn hàng ngang, đi không đúng làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại khi điều khiển phương tiện…
Được biết, để ngăn ngừa TNGT từ XĐĐ, XMĐ, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh Hà Nam, Liên đoàn Lao động và Tỉnh đoàn đã có các chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, công nhân trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu học sinh, công nhân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về TTATGT như: đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, XĐĐ, XMĐ; tuyệt đối không lạng lách, đánh võng, chạy xe hàng hai, hàng ba, đùa giỡn, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Các cấp, ngành cũng đã tổ chức cho học sinh ký cam kết bảo đảm ATGT; xử lý nghiêm và gửi thông báo về nhà trường nếu phát hiện trường hợp vi phạm; xác định nội dung chấp hành pháp luật giao thông là tiêu chí xếp loại thi đua của tập thể, cá nhân hằng năm của mỗi nhà trường... UBND các phường, xã, thị trấn trong tỉnh cũng đã tổ chức thống kê, rà soát số lượng XĐĐ, XMĐ của người dân trên địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp; tổ chức giáo dục những trường hợp vi phạm khi có thông báo của cơ quan chức năng.
Không thể phủ nhận, việc người dân lựa chọn XĐĐ, XMĐ làm phương tiện hiện nay là rất phù hợp, vì đây là phương tiện được thiết kế nhỏ gọn, giá cả phải chăng, không tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định của người tham gia giao thông bằng XĐĐ, XMĐ, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành một số quy chuẩn, quy định, chế tài cụ thể đối với loại phương tiện này. Cùng với đó, cần chú trọng công tác phối hợp đào tạo kỹ năng đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện XĐĐ, XMĐ. Mặt khác, tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng trong quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh đối với XĐĐ, XMĐ nhập khẩu.
Ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông bằng XĐĐ, XMĐ chấp hành nghiêm các quy định pháp luật là rất quan trọng. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh không nên cho con em mình sử dụng XĐĐ, XMĐ khi còn quá nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cần phối hợp với nhà trường hướng dẫn, trang bị cho học sinh những kỹ năng, kiến thức cơ bản, giúp các em hình thành ý thức pháp luật khi tham gia giao thông.
Như vậy, để giảm thiểu TNGT liên quan đến XĐĐ, XMĐ rất cần sự quan tâm, chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và toàn xã hội, trong đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động, tự giác của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Trên thực tế, TNGT liên quan đến XĐĐ, XMĐ hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu người tham gia giao thông tự giác nâng cao ý thức đội MBH và chấp hành nghiêm quy định về tốc độ cũng như các quy tắc giao thông.