Sự cần thiết xây dựng đề án
Những năm qua, dân số tăng trưởng, lượng khách du lịch lớn, số lượng phương tiện cơ giới cá nhân tăng nên TP. Nha Trang và một số khu vực trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm. Theo số liệu thống kê, dân số trên địa bàn tỉnh hơn 1,2 triệu người, bình quân tốc độ tăng trưởng dân số trong 10 năm trở lại đây khoảng 0,7%/ năm; tại thời điểm năm 2019 (trước khi có dịch bệnh Covid-19), tổng lượng khách du lịch đến tỉnh hơn 7 triệu lượt, tăng 13,3% so với năm 2018.
Xe buýt liên huyện trên địa bàn tỉnh đang được khai thác bằng hình thức xã hội hóa
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu phương tiện cơ giới. Trong đó, có 58.348 xe ô tô; hơn 1,1 triệu xe mô tô, gắn máy, máy điện. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm lượng phương tiện cá nhân tăng bình quân 10-12%. Trong khi đó tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng, năng lực giao thông công cộng còn hạn chế nên áp lực giao thông trên các tuyến đường chính, đặc biệt khu vực TP. Nha Trang tiếp tục có khả năng xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.
Ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, tỉnh luôn quan tâm, phát triển các loại hình vận tải công cộng, nhất là vận tải hành khách bằng xe buýt. Vận tải hành khách bằng xe buýt sẽ giúp giảm tải phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đây là phương thức văn minh, bền vững trên thế giới và các đô thị tại Việt Nam đang chú trọng phát triển.
Hiện nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh gồm 16 tuyến và được chia làm 2 hình thức: 8 tuyến trợ giá đã được đấu thầu thành công và chuẩn bị đưa vào khai thác; 8 tuyến không trợ giá kết nối liên huyện từ TP. Nha Trang với các địa phương: Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh. Các tuyến xe buýt này đã và đang góp phần bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân, giảm tải áp lực giao thông, giảm tai nạn giao thông. Với mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững giao thông, khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, phát triển đa dạng hóa các loại hình phương thức vận tải, việc xây dựng Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030 là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.
Đề xuất nhiều tuyến xe buýt
Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, phương án phát triển mạng lưới gồm 22 tuyến; trong đó có 9 tuyến trợ giá, 8 tuyến xã hội hóa, 4 tuyến liên tỉnh (Khánh Hòa đi Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk) và 1 tuyến du lịch. Giai đoạn 2025 - 2030, có 2 tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn (BRT), 15 tuyến có trợ giá, 8 tuyến liên huyện xã hội hóa và 4 tuyến liên tỉnh, 1 tuyến du lịch. Trong giai đoạn 2020 - 2025, các tuyến giãn cách từ 20 đến 30 phút/chuyến; giai đoạn từ 2025 - 2030, giãn các tuyến trong giờ cao điểm trung bình từ 10 đến 20 phút/chuyến, có tuyến 30 phút/chuyến, riêng các tuyến BRT giãn cách giờ cao điểm là 10 phút/chuyến.
Theo tính toán, đến năm 2025, diện tích đỗ xe cho xe buýt phục vụ vận hành hơn 10.900m2, đến năm 2030 hơn 14.700m2. Các vị trí được đề xuất làm điểm trung chuyển gồm: Bãi đỗ xe Mả Vòng, vị trí giao giữa đường Vành đai 2 và đường 23-10, khu vực cầu Bình Tân, bến xe phía Bắc Nha Trang. Để đưa vào vận hành, khai thác hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt có hiệu quả cần chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, dự kiến đến năm 2030 hơn 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề xuất các giải pháp công nghệ thông tin khi đưa vào vận hành khai thác vận tải hành khách công cộng như: Xây dựng và ứng dụng phần mềm đảm bảo chức năng bản đồ giao thông, bản đồ mạng lưới vận tải, ngôn ngữ… Nghiên cứu triển khai lắp đặt camera giám sát tại các điểm cơ sở hạ tầng và trên phương tiện xe buýt, kết hợp với giám sát hành trình nhằm giúp các nhà quản lý giám sát chất lượng dịch vụ.
Mới đây, sau khi nghe Sở Giao thông vận tải báo cáo Đề án vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giai đoạn 2020 - 2030, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu sở và đơn vị tư vấn cần làm rõ một số vấn đề trước khi thông qua, trình HĐND tỉnh xem xét: Nêu rõ sự cần thiết của đề án trên cơ sở đánh giá hoạt động vận tải từ năm 2010 đến nay; đánh giá thực trạng hệ thống vận tải hành khách hiện tại, từ đó đưa ra các chỉ tiêu, dự báo đến năm 2030 về các tác động từ phương tiện, dân cư đến đề án; rà soát căn cứ pháp lý để xây dựng đề án; làm rõ mục tiêu đề án, phương án phát triển, chất lượng, số lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng, công tác quản lý, công nghệ thanh toán, phương án giá vé, khái toán đầu tư, các giải pháp thực hiện…