Sức bật từ giao thông nông thôn tỉnh Bạc Liêu

Thứ ba, 01/03/2022 15:36

Xác định, giao thông nông thôn (GTNT) là động lực và đòn bẩy để phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn ưu tiên nguồn lực, từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT.

Làm lộ giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu)

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có hệ thống kênh rạch chằng chịt, do đó, việc hoàn thiện hệ thống GTNT khá tốn kém. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết “tam nông” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hệ thống GTNT được đầu tư đúng mức, giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng GTNT gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn với những con đường, cây cầu kiên cố, sạch đẹp. Nhiều tuyến đường đã có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, biển tên đường, biển báo giao thông, trồng hoa, cây xanh… Kết quả đó thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của các cấp, các ngành và địa trong tỉnh, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí về GTNT.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong năm 2021, huyện Đông Hải đã xây dựng hoàn thiện 26 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài gần 56,7km. Tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi trong những tháng mùa khô đầu năm 2022, huyện đang tập trung nguồn lực để ra quân xây dựng các tuyến GTNT liên xóm, ấp trước khi mùa mưa đến.

Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: “GTNT luôn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, huyện đã và đang tập trung lồng ghép các chương trình, dự án của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông; vận động Nhân dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để làm đường”. Cũng theo lãnh đạo huyện, địa phương luôn tích cực phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường đến trung tâm các xã, đường liên xóm, ấp; xây dựng kế hoạch và phát động các phong trào thi đua gắn với xây dựng GTNT, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân. Những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của huyện đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng GTNT. Anh Trần Văn Sang (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đường sá, cầu cống,… ở các vùng nông thôn trên địa bàn đã liền mạch, việc trao đổi, mua bán hàng hóa, nông sản của chúng tôi thuận tiện, dễ dàng hơn. Học sinh đi học trong cả hai mùa mưa - nắng không còn vất vả, gia đình cũng không còn lo lắng như trước. Tôi rất mừng khi thấy quê mình nay đã đổi khác, khang trang và phát triển hơn”.

Xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải) xây dựng GTNT trong mùa khô 2022

Cũng như ở Đông Hải, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn TP. Bạc Liêu đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn với mục tiêu bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các xã đến các địa phương lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển. Ông Triệu Minh Tứ - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) phấn khởi: “Giờ các ấp trong địa bàn xã đều đã có lộ bê tông chạy đến trước nhà. Đời sống kinh tế, sinh hoạt của bà con cũng nhờ đó mà sung túc hơn trước rất nhiều. Từ khi việc đi lại thuận tiện, bà con cũng có điều kiện giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm làm ăn,… nhờ vậy các chính sách của địa phương hay của tỉnh đề ra đều nhanh chóng được bà con tiếp thu, hưởng ứng và đồng lòng thực hiện cùng địa phương”.

Tuy đã có sự quan tâm đầu tư, nhưng trên thực tế hệ thống GTNT ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí cho đầu tư xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa khá lớn, nhưng thu ngân sách của các địa phương lại ít, thu nhập người dân ở nhiều khu vực còn thấp, dẫn đến việc huy động sự đóng góp của người dân còn hạn chế… Do vậy, để nâng cao hiệu quả xây dựng hạ tầng GTNT, các địa phương cần cân đối ngân sách, bổ sung thêm kinh phí bảo trì đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội vùng nông thôn từ hệ thống GTNT.

 

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:272609
Lượt truy cập: 176.084.805