Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền tại buổi Tập huấn
Tại Hội nghị, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông cho biết cơ sở pháp lý cho việc xử "phạt nguội" qua hình ảnh đã được quy định đầy đủ tại Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021 của Chính phủ. Thông tư 06/20217 của Bộ GTVT cũng đã hướng dẫn đầy đủ về thiết bị cân và thiết bị nghiệp vụ ghi hình để "phạt nguội" phương tiện cơi nới thành thùng chở hàng quá tải.
Theo ông Chung, hình ảnh thùng xe lực lượng Thanh tra chụp trên đường sẽ được so sánh với hình ảnh trong giấy kiểm định phương tiện để xác định hành vi phạm cơi nới thành thùng. Khi hình ảnh thực tế khác với hình ảnh được in trong giấy kiểm định sẽ gửi thông báo xử phạt chủ phương tiện với lỗi thay đổi kích thước thành thùng xe.
"Khi chủ phương tiện không đến chấp hành quy định xử phạt hoặc không nhận được giấy thông báo, hình ảnh vi phạm sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm và phương tiện vi phạm sẽ được cảnh báo trên hệ thống của cơ quan này. Đến kỳ kiểm định phương tiện đó chỉ được kiểm định có thời hạn 15 ngày để phương tiện chấp hành quyết định xử phạt. Nếu chủ phương tiện vẫn cố tình không chấp hành, phương tiện đó sẽ không được kiểm định", ông Chung nói.
Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục ĐBVN)
hướng dẫn trình tự sử dụng kết quả thu được từ thiết bị ghi hình.
Cũng theo ông Chung, Bộ GTVT đã có Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT ngày 15/9/2014 “Quy định về thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ”; Điều khoản xử phạt hành vi vi phạm cơi nới thùng xe trái quy định cũng đã được thể hiện tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”; Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019 cũng quy định: Phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Nghị định cũng phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô đưa xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tham gia giao thông.
Các đại biểu tham dự buổi tập huấn.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay tình hình xe quá tải vẫn còn nhiều, để ngăn ngừa và giảm xe quá tải đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các đơn vị, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Tổng cục ĐBVN đang áp dụng khoa học công nghệ để kiểm soát xe quá tải.
Qua Hội nghị tập huấn hướng dẫn trình tự sử dụng kết quả thu được từ thiết bị ghi hình, đối với hành vi vi phạm về cơi nới thành thùng xe trái quy định và một số hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ, để xử phạt vi phạm khi xe, người lái xe, chủ xe hoặc người thực hiện hành vi vi phạm không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm, Phó Tổng cục trưởng hy vọng các đơn vị có thể vận dụng tốt để xử lý vi phạm theo đúng quy định, gióp phần giảm thiểu và tiến tới xóa sổ xe quá tải.
Phong Vũ