Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông - hậu quả khôn lường

Thứ ba, 19/04/2022 15:47

Mặc dù mức phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông hiện nay được đánh giá ở mức cao, song tình trạng người lái xe vi phạm nồng độ cồn (NĐC) và gây tai nạn giao thông (TNGT) vẫn còn xảy ra. Nhiều “ma men” phóng xe trên đường trong sự bất an của những người xung quanh, và hậu quả là đã phải đánh đổi bằng cả cuộc đời…

Cảnh sát giao thông tỉnh Bạc Liêu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy.

1.001 lý do khi bị phạt

Đã hơn 20 giờ nhưng các quán trên địa bàn TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) vẫn đông nghẹt khách. Nhiều bãi giữ xe của quán quá tải, phải tận dụng đến lòng đường. Vào quán từ chiều, thời điểm này cũng là lúc “cánh mày râu” lần lượt tan sòng lấy xe ra về. Những gương mặt đỏ bừng vì hơi men, những tay lái loạng choạng bắt đầu cung đường về nhà khi tinh thần không còn tỉnh táo. Có người vừa lên xe đã phóng thật nhanh, có người túc tắc xe máy ngả nghiêng, chao đảo giữa dòng xe cộ ngược xuôi.

Khoảng 20 giờ 30 phút, một tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh Bạc Liêu) bắt đầu làm nhiệm vụ kiểm soát người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm NĐC. Trong số 10 trường hợp người điều khiển xe máy được lực lượng kiểm tra, có 7 trường hợp “dính cồn”. Điều đáng quan ngại là các trường hợp đều vi phạm ở khung cao nhất với mức phạt được quy định từ 6 - 8 triệu đồng, hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Người có NĐC “mút khung” tại buổi kiểm tra này là ông V.V.Đ (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Ông Đ. rời quán nhậu, trên đường lái xe về nhà (cách nơi nhậu hơn 20km) trong tình trạng say khướt, Cảnh sát giao thông phải thuyết phục nhiều lần để ông chấp hành việc kiểm tra NĐC, sắp xếp chỗ ngồi và đưa nước cho uống. Khi biết NĐC đo được ở mức 1,035 miligam/ lít khí thở (khung cao nhất từ 0,4 miligam/lít khí thở trở lên) và phải ký biên bản nộp phạt thì ông Đ. liên tục đưa ra nhiều lý do không từ chối được tiệc nhậu, kèn cựa không chịu ký tên.

“Do đặc thù riêng, Tổ kiểm tra xử lý vi phạm NĐC luôn phải linh hoạt khéo léo xử lý các tình huống, bởi nhiều người say đến mức không kiểm soát nổi bản thân. Có người chây ì không hợp tác, người thì lớn tiếng cự cãi, người lại bám sát lực lượng xin tha bằng mọi cách trong suốt nhiều giờ liền…”, Thiếu tá Trần Quốc Tướng - Tổ trưởng Tổ kiểm tra chia sẻ.

Cùng thời điểm bị kiểm tra cồn với ông Đ. còn có một số người khác vi phạm, thuộc nhiều thành phần khác nhau: nhân viên các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, thợ sửa chữa… Những đối tượng này mặc dù thừa nhận hành vi vi phạm của mình, song mỗi người một cách, đều muốn được “thông cảm” hoặc “xí xóa”, liên tục gọi điện thoại, tận dụng các mối quen biết của mình để tác động đến Tổ kiểm tra xử lý NĐC. Và lý do chung mong được bỏ qua là vì phải tham gia liên hoan của công ty, chia tay đồng nghiệp, đi tiếp khách với sếp…

Qua nhiều buổi ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù mức phạt khá cao, song tỷ lệ người tham gia giao thông vi phạm NĐC vẫn còn nhiều. Hầu hết khi đã vào tiệc nhậu là đồng ý chấp nhận “may rủi” nếu gặp lực lượng Cảnh sát giao thông, nếu năn nỉ bỏ qua không được thì đành… chịu phạt. Nhưng khi được hỏi về trách nhiệm khi lái xe, hoặc sử dụng cách an toàn hơn là nhờ người thân đón, hoặc đi taxi về thì nhiều “ma men” lại lắc đầu từ chối với lý do “phiền phức”?!

Người vi phạm ký xác nhận kết quả đo nồng độ cồn

Khi “ma men” lái xe và hậu quả

Uống rượu, bia nhưng điều khiển phương tiện tham gia giao thông là lỗi vi phạm giao thông đường bộ mà nhiều người mắc phải hiện nay. Tình trạng này là nguyên nhân trực tiếp gây nên nhiều vụ TNGT, trong đó có TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Theo một thống kê gần đây của Bộ Công an, trong các vụ TNGT đường bộ, tỷ lệ tai nạn do uống bia rượu chiếm từ 70 - 90%. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD. Những dịp trước và sau Tết, hay vào các dịp lễ, tình trạng sử dụng rượu bia lại tăng vọt, kéo theo nguy cơ TNGT.

Rượu bia được cảnh báo là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, khả năng định hướng, khả năng điều khiển vận động. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo “án tử” không hẹn trước cho những người cùng tham gia giao thông hoặc có khi, họ tự gieo “án tử” cho cả chính mình.

Cách đây không lâu, dư luận không khỏi bàng hoàng về vụ TNGT xảy ra tại khu vực giao lộ Trần Phú - Hòa Bình (TP. Bạc Liêu). Vụ tai nạn xảy ra giữa đêm khuya, người bị nạn còn rất trẻ, tự gây tai nạn sau tiệc nhậu. Hiện trường vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng đến nỗi những người chứng kiến phải quay mặt đi… Hay như trên đường Cao Văn Lầu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) vào tháng 3/2022, một người đàn ông điều khiển xe máy trong tình trạng uống rượu bia đã tông vào xe ba gác, tử vong ngay tại chỗ.

Việc tự gây TNGT ở người có rượu bia thường cao hơn người không sử dụng rượu bia bởi khả năng chống đỡ của người say kém. Men rượu khiến người tham gia giao thông hạn chế khả năng điều khiển tay lái, khi bị tai nạn thì khả năng bị tổn thương nặng hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Có trường hợp người đã nhậu say, gây TNGT, họ may mắn không chết nhưng gây ra cái chết oan của người cùng tham gia giao thông.

TNGT nói chung, TNGT liên quan đến bia rượu và những hậu quả nặng nề của nó thì ai cũng nghe, cũng biết, thế nhưng, nhiều người sau khi đã “chén tạc chén thù” say bí tỉ vẫn tham gia giao thông. Pháp luật chế tài, đưa ra mức phạt cao để giảm thiểu tác hại của rượu bia, song điều quan trọng nhất không gì khác mà chính là ý thức mỗi người dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, vì tính mạng của chính mình và của cộng đồng, xã hội.

Từ ngày 1/3/2022 đến nay, có trên 70 trường hợp lái xe bị xử phạt vi phạm NĐC với số tiền trên 400 triệu đồng, tất cả các trường hợp này đều bị giữ phương tiện. Trong đó, 4 trường hợp là người điều khiển xe ô tô, còn lại là mô tô, xe máy và các trường hợp vi phạm ở khung cao nhất chiếm gần 50%. Người điều khiển ô tô vi phạm ở khung này, bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Các trường hợp này do Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xử phạt.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:4505
Lượt truy cập: 176.146.203