Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Hội KHKT cầu đường Việt Nam cho biết, chủ trương xây dựng đường sắt đô thị đã manh nha từ những năm 1990. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Hai tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn nước rút.
Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học, quản lý dự án, cán bộ kĩ thuật cho rằng
cần có tiêu chuẩn thống nhất trong xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam,
nhằm nâng cao chất lượng công trình, dự án
Trong quá trình triển khai xây dựng các tuyến này đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại do các dự án sử dụng nguồn vốn của các nhà tài trợ khác nhau, dẫn đến công nghệ khác nhau, áp dụng tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, cần đưa ra tiêu chuẩn thống nhất về công nghệ cho đường sắt đô thị ở Việt Nam.
“Với trách nhiệm của những người làm khoa học, chúng ta phải nêu bật được những việc đã làm được, những vấn đề còn tồn tại và những vấn đề cần xử lý tiếp theo, để các dự án đường sắt đô thị tiếp theo có được cách tiếp cận, triển khai hiệu quả hơn”, ông Ngô Thịnh Đức nói.
Đồng quan điểm, PSG. TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ GTVT nhấn mạnh, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng, kiểm tra và quản lý chất lượng dự án xây dựng đường sắt đô thị ở Việt Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nâng cao chất lượng đầu tư, xây dựng, khai thác, bảo trì các dự án đường sắt đô thị mới sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Hội nghị đã nghe, thảo luận về các tham luận, báo cáo: Bài học kinh nghiệm trong quá trình quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Công nghệ xây dựng hệ thống cầu cạn trên các tuyến đường sắt đô thị ở Việt Nam; Một số vấn đề cần quan tâm khi áp dụng công nghệ lắp ghép từng nhịp thi công dầm cầu cạn tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM.
Cùng đó là các báo cáo: Kết cấu đường ray tấm bản và ứng dụng trong các dự án xây dựng đường sắt đô thị hiện đại; Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế cầu đường sắt và khả năng ứng dụng cho đường sắt đô thị; Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng BIM trong quản lý công tác thiết kế, di dời và tái lập công trình hạ tầng kĩ thuật...
Việc nghiên cứu công nghệ, vật liệu trong xây dựng đường sắt đô thị
sẽ giúp việc triển khai các dự án tiếp theo hiệu quả hơn.
Ảnh: Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông
Tại Hội nghị, PGS. TS. Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội KHKT cầu đường Việt Nam nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kĩ thuật về an toàn, môi trường, phòng, chống cháy, nổ tương ứng với loại hình đường sắt đô thị được đầu tư. Hệ thống cầu cạn trên tuyến đường sắt đô thị (đường sắt trên cao) là một kết cấu vĩnh cửu phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch và xem xét hòa nhập một cách phù hợp trong môi trường, cảnh quan, kiến trúc thành phố.
“Công trình cầu cạn trên tuyến đường sắt đô thị phải được thiết kế an toàn, đảm bảo khả năng chịu lực, độ cứng, độ bền, thời hạn khai thác và thuận tiện sử dụng cũng như các yêu cầu về kiểm tra, đánh giá, duy tu bảo dưỡng công trình.”, PGS. TS. Hoàng Hà nói.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng, cần hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức, đơn giá cho loại hình đường sắt đô thị làm cơ sở áp dụng, triển khai thực hiện. Khi xây dựng dự án cần đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt thiết kế, dự toán.
Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi thiết kế cơ sở, quy hoạch được duyệt để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng được tiến độ thi công dự án sau này. Cùng đó, quản lý chặt chẽ hợp đồng, tiến độ thi công để xác định rõ trách nhiệm thực hiện của các bên...