Loạt doanh nghiệp thắng lớn
Báo cáo tài chính quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp vận tải biển ghi nhận biến động đầy tích cực sau đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp lãi đậm, đạt các mốc doanh thu lớn.
Vận tải biển thắng lớn nhờ giá thuê tàu và cước vận tải tăng. Ảnh: HAH
Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) có doanh thu thuần trong quý I/2022 đạt hơn 402,1 tỷ đồng (tăng 57,9%). Lợi nhuận sau thuế đạt 55,75 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Gemadept cán mốc doanh thu 880 tỷ đồng, tăng 28%. Mức lợi nhuận sau thuế đạt 319 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần vận tải biển Vinaship cũng thắng lớn với doanh thu 3 tháng đầu năm đạt hơn 232,3 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với quý I/2021.
Báo cáo của Vinaship cho rằng, cước vận tải biển quốc tế duy trì ở mức cao đã tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng ghi nhận doanh thu thuần gần 652 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế (của công ty mẹ) đạt gần 200 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, lợi nhuận tăng do công ty đã đầu tư thêm 2 tàu HA East và HA West vào tháng 4 và tháng 5/2021. Đồng thời, giá cước vận tải nội địa tăng, giá cho thuê tàu tăng mạnh và số tàu cho thuê kỳ này cũng nhiều hơn.
Lý giải về những thành tích khả quan này, lãnh đạo Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An chia sẻ, dịch bệnh gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và sản xuất nhưng hoạt động của hầu hết các công ty vận tải biển trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
Chưa kể, trong quãng thời gian phòng, chống dịch bệnh, vận tải biển là hình thức vận chuyển hàng hóa có ưu thế lớn, giúp duy trì lưu thông hàng hóa và thương mại.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều hãng tàu lớn trên thế giới cũng công bố đạt lợi nhuận bất thường cho cả năm 2021 và duy trì tốt trong quý I/2022.
Lượng hàng hóa tăng sẽ làm tăng cước vận chuyển và tăng giá cước thuê tàu. Quý I/2022 so với năm 2021, giá thuê tàu container trung bình đã tăng khoảng 20%.
Tuyến vận chuyển hàng hóa nội địa ước tính tăng 25 - 30%. Các tuyến ngắn chạy nội Á cũng tăng khoảng 10 - 20%”, vị lãnh đạo của Hải An chia sẻ.
Một số doanh nghiệp đã rút tàu chạy tuyến nội địa để cho thuê quốc tế.
Theo tìm hiểu, vào giữa năm 2021, trung bình có khoảng 25 - 27 chuyến tàu/tuần của 10 hãng chạy tuyến Hải Phòng - TP.HCM.
Nhưng do giá cước thuê tàu tăng tốt, một số công ty đã chuyển hướng chạy thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài để có kết quả kinh doanh tốt hơn.
Do đó hiện tại, số lượng chuyến chạy tuyến Hải Phòng - TP.HCM chỉ còn khoảng 17 - 18 chuyến/tuần. Sự khan hiếm tàu tiếp tục đẩy giá cước vận tải tăng cao.
Theo lời ông Nguyễn Đại Hải, Phó giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, thời điểm trước Tết, giá cước vận tải trong nước cho tuyến Hải Phòng - TP.HCM khoảng 7 triệu đồng/container 20 feet và 10 triệu đồng/container 40 feet và hiện đã tăng nhẹ.
Riêng giá thuê tàu lại tăng đột biến. Giai đoạn tháng 11/2021, giá thuê một tàu khoảng 15.000 USD/ngày nhưng tới tháng 3/2022, cũng với loại tàu này, mức thuê đã tăng thêm 3.000 USD.
“Giá thuê tàu chính là yếu tố quyết định thị trường vận tải biển. Cùng đó, việc nhiều đơn vị ký hợp đồng thuê tàu dài hạn cũng dự báo một thị trường tốt trong thời gian tới”, ông Hải nhận định.
Thị trường còn nhiều ẩn số
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, gần 2 năm qua, dịch Covid-19 tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Hàng loạt cảng biển khu vực châu Âu, Mỹ và Trung Quốc... tắc nghẽn nghiêm trọng, tàu nằm chờ từ 5 - 7 ngày, thậm chí nhiều ngày hơn mới có thể cập cảng làm hàng.
Thực trạng này tạo ra sự khan hiếm về cả tàu chở hàng và container, tạo nhiều “sóng gió” cho chủ hàng xuất, nhập khẩu trong nước.
Song, đây lại là cơ hội cho các “ông lớn” vận tải biển nói chung và doanh nghiệp vận tải biển (chạy trên các tuyến quốc tế) nói riêng hưởng lợi từ sự gia tăng cả về giá thuê tàu và giá cước vận chuyển hàng hóa.
Theo khảo sát sơ bộ, dịch Covid-19 hiện đã được các quốc gia kiểm soát (trừ Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “Zero Covid”), hoạt động vận tải đã thuận lợi hơn nên giá cước vận tải có chiều hướng giảm so với đầu năm và thời điểm cao điểm dịch.
“Song, theo dự báo của các chuyên gia nước ngoài, sự khởi sắc của doanh nghiệp vận tải biển vẫn có thể duy trì đến giữa năm 2023”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Bùi Văn Trung cũng cho rằng, thị trường vận tải biển thời gian tới tương đối tốt.
Việc một số chủ tàu cho thuê tuyến quốc tế có mức giá tốt hơn dẫn tới sự cạnh tranh về mức giá vận tải. Cùng đó, do thiếu tàu nên giá thuê tàu container vẫn ở mức cao.
“Các doanh nghiệp vận tải cần tranh thủ thị trường đã khởi sắc, tích lũy để dành lúc khó khăn.
Bởi thời gian tới, thị trường vận tải vẫn khó đoán vì nhiều yếu tố”, ông Trung lưu ý và cho biết, tàu container hiện đã và đang được đóng rất nhiều. Thời gian tới, lượng tàu mới ra thị trường nhiều hơn, có khả năng sẽ làm giảm giá thuê.
Không chỉ vậy, biến động của giá nhiên liệu làm chi phí vận chuyển tăng. Đã có những công ty áp dụng phụ phí nhưng giá nhiên liệu tăng quá nhanh dẫn tới sự điều chỉnh gặp khó khăn.
Thời gian tới, chưa thể đánh giá được biến động nhiên liệu sẽ tác động ra sao tới thị trường vận tải biển, nhất là thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, hai năm qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn không khả quan, phải bán bớt tàu. Giờ đây, khi thị trường hồi phục, khó có thể mua tàu ngay vì nguồn tàu khan hiếm.
“Hiện nay, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang tranh nhau suất đặt lịch đóng tàu. Nếu đóng mới cũng mất 2 - 3 năm.
Đến lúc đó, chưa thể lường trước thị trường diễn biến ra sao”, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam nhìn nhận.
Trong khi đó, lãnh đạo của Hải An lại nhận định, cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc tiếp tục là những yếu tố gây ảnh hưởng tới thị trường vận tải biển.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển ước đạt hơn 236 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, lượng hàng hóa nội địa thông qua tăng mạnh nhất với gần 99 triệu tấn, tăng 10%.
Về lượng hàng hóa container, tính trong 4 tháng, khối lượng thông qua cảng biển đạt khoảng 8 triệu TEUs, tăng 2%. Hàng container nhập khẩu có tỷ lệ tăng mạnh nhất với hơn 2,8 triệu TEUs, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 4/2022, tổng khối lượng qua cảng biển ước khảng 59 triệu tấn, tăng 3%. Mặt hàng container ước khoảng 2 triệu TEUs, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.