Dịch vụ trọn gói, từ kho đến kho
Không phải tự nhiên mà UBND tỉnh Sơn La vừa vừa chủ động làm việc với Tổng công ty Đường sắt VN nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong vận chuyển nông sản của tỉnh bằng tàu hàng.
Tàu container lạnh vận chuyển trái cây, thủy sản cần bảo quản lạnh
Từ các chuyến tàu chở nông sản của Sơn La vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam trong đợt dịch diễn biến phức tạp giữa năm 2021, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã nhận thấy những ưu việt của đường sắt trong vận chuyển hàng nông sản khối lượng lớn, đi xa, an toàn.
Đường sắt Việt Nam kết nối với hệ thống đường sắt quốc tế thông qua đường sắt Trung Quốc tại 2 ga biên giới Lào Cai và Đồng Đăng. Tàu hàng từ Việt Nam có thể quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ 3 như: Kazakhstan, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và châu Âu.
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, từ năm 2017 - 2021, sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2017 thực hiện được hơn 870.000 tấn qua cả hai cửa khẩu ga Lào Cai và ga Đồng Đăng thì năm 2021, con số này là hơn 1.130.000 tấn. Sản lượng năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020.
|
"Tuy không có đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia nhưng chúng tôi vẫn mong muốn hợp tác với đường sắt vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp như trái cây và sản phẩm sau chế biến như tinh bột sắn, cà phê... đi tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu", Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho hay.
Chào đón bạn hàng lớn, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đường sắt luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vận chuyển của Sơn La. Không chỉ Sơn La, với các tỉnh không có đường sắt kết nối đến, đường sắt sẽ thực hiện dịch vụ logistics từ kho đến kho, dịch vụ trọn gói cho khách hàng: Vận chuyển nông sản bằng ô tô từ điểm tập kết đến ga đường sắt để vận chuyển bằng tàu và vận chuyển bằng ô tô từ ga đến điểm trả hàng.
Đối với hàng nông sản, đường sắt có thể vận chuyển bằng nhiều hình thức: Hàng chỉ cần bảo quản mát có thể đi bằng hàng nguyên toa theo tàu khách; Hàng phải bảo quản lạnh, vận chuyển bằng container sẽ đi theo tàu hàng.
Tuy nhiên, ông Phan Quốc Anh thừa nhận, mặt hàng nông sản tươi, cần bảo quản lạnh sẽ khó cạnh tranh được với ô tô trên cả hai chiều từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc. Bởi đặc thù của vận tải đường sắt là phải tập kết hàng về ga, nguồn hàng đủ lớn, đoàn tàu đủ tấn số mới chạy được để đảm bảo hiệu quả về doanh thu nên mất thời gian hơn. Trong khi đó, đi bằng ô tô, chủ hàng chủ động được thời gian, dù hàng chỉ đủ một container cũng chạy.
Hướng tới hàng nông sản đã qua chế biến để xuất khẩu
Ga Đồng Đăng chật kín toa xe chở container liên vận quốc tế
do không có bãi hàng tiêu chuẩn để tập trung xếp dỡ container
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN, nếu được đầu tư nâng cao năng lực kho bãi, sản lượng xuất, nhập khẩu qua đường sắt liên vận có thể đạt 4,5 triệu tấn/năm, gấp 3 lần hiện nay. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, nông sản là nguồn hàng tiềm năng, tuy nhiên nông sản khô, nông sản đã qua chế biến mới là mục tiêu mà vận chuyển đường sắt cần hướng đến, để tạo ra sự bền vững.
Cho biết hiện nay Ratraco đang phục vụ vận chuyển cho các hãng sản xuất đồ uống như Vinamilk, Nestle, sản lượng ổn định, được thực hiện theo kế hoạch: Đến ngày, đến giờ sẽ vận chuyển số lượng container đã định trước.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, để khai thác tốt tiềm năng vận chuyển hàng nông sản nội địa hay xuất khẩu thì đường sắt cần giải quyết được nút thắt lớn nhất hiện nay là hạ tầng hỗ trợ cho logistics, dịch vụ vận tải. Đường sắt chưa có được trung tâm logistics đủ tiêu chuẩn để tập kết hàng nông sản và các mặt hàng khác; Hơn nữa kho bãi các ga hàng hóa xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển, bốc xếp container.
Ông Phan Quốc Anh cho biết, đường sắt đang thúc đẩy vận chuyển các mặt hàng nông sản đã qua chế biến như cà phê, tinh bột sắn..., có thể vận chuyển bằng toa xe hàng hoặc container thông thường. Như mặt hàng tinh bột sắn trước đây chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, giờ bắt đầu dần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, mở rộng tiềm năng đi bằng đường sắt. Gần đây, sản lượng vận chuyển mặt hàng xuất khẩu này bằng đường sắt tăng hơn trước.
Hơn nữa, đi bằng đường sắt chi phí rẻ hơn nhiều so với đường bộ. Từ miền Nam, chi phí đi bằng đường bộ đến cửa khẩu Đồng Đăng khoảng 60-70 triệu đồng/container. Còn đi bằng đường sắt khoảng 45 triệu/container đã bao gồm chi phí hai đầu (vận chuyển đường ngắn đến ga, bốc xếp). Chi phí bốc xếp container tại ga không cao, chỉ khoảng 500.000 đồng/lượt bốc từ ô tô lên toa xe hoặc từ toa xe lên ô tô.
“Quan trọng nhất là phải đầu tư kho bãi tiêu chuẩn phục vụ xếp dỡ container bởi vận chuyển container là phương thức hiện đại, xếp dỡ bằng thiết bị nên chi phí rẻ, nhanh hơn nhiều so với bốc xếp nhân công với các toa xe thông thường.
Vì thế, mới đây Tổng công ty Đường sắt VN đã xây dựng phương án nâng cao năng lực hạ tầng kho bãi các nhà ga trọng điểm trên tuyến Bắc - Nam và phục vụ liên vận quốc tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, khu vực phía Nam kiến nghị đầu tư ga Sóng Thần, Trảng Bom, Diêu Trì, khu vực phía Bắc có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Hải Phòng, Vật Cách, Kép, Sen Hồ...”, ông Quốc Anh cho hay.