Đồ họa thể hiện các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai quá tải.
Thời gian qua, 3 tuyến Quốc lộ: 1, 20 và 51 có lượng phương tiện tăng đột biến dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào các nghỉ lễ, tết.
Quá tải vì “độc đạo”
Đồng Nai có tới 5 tuyến quốc lộ đi qua gồm: Quốc lộ 1, 20, 51, 56 và 1K với tổng chiều dài hơn 260km. Các quốc lộ này đều nằm ở vị trí cửa ngõ từ Đồng Nai đi TP.HCM nên có lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn. Trong đó, 3 tuyến Quốc lộ: 1, 20 và 51 được xem là các tuyến đường “độc đạo” để kết nối giao thông giữa Đồng Nai với các địa phương trong khu vực.
Thời gian qua, 3 tuyến đường này gần như quá tải khi thường xuyên bị ùn tắc giao thông kéo dài. Như tuyến Quốc lộ 20 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối khu vực Đông Nam bộ với Tây nguyên. Năm 2015, sau khi cải tạo, nâng cấp thì tuyến Quốc lộ 20 qua Đồng Nai chính thức thông xe với quy mô 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tuy nhiên, sau gần 7 năm đưa vào khai thác, Quốc lộ 20 hiện đã trở nên quá tải.
Theo Sở GTVT, từ nhiều năm qua, Sở đã kiến nghị với Bộ GTVT mở rộng để đảm bảo giao thông; trong đó, phải mở rộng mỗi bên của tuyến Quốc lộ 1 thêm làn đường dành riêng cho xe 2-3 bánh, tập trung mở rộng đoạn từ ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất) đến cầu Sập (TP.Biên Hòa) với chiều dài khoảng 32km.
Những ngày lễ, tết vừa qua, lượng xe lưu thông trên tuyến đường này tăng cao đột biến dẫn đến tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là người dân các địa phương trong khu vực đổ về TP.Đà Lạt và một số tỉnh Tây nguyên để du lịch khiến nạn kẹt xe càng trở nên trầm trọng hơn.
Ông Phan Văn Thuần (ngụ xã Gia Canh, H.Định Quán) chia sẻ, Quốc lộ 20 là tuyến đường quan trọng để lưu thông từ Đồng Nai lên các tỉnh Tây nguyên nhưng mỗi bên chỉ có 2 làn xe. Đường hẹp, xe đông, mỗi lần xảy ra va chạm giao thông cũng dẫn đến kẹt xe kéo dài, có những thời điểm các phương tiện nối đuôi nhau “rồng rắn” suốt nhiều cây số.
Theo ông Thuần, tình trạng quá tải trên Quốc lộ 20 còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội không chỉ mỗi H.Định Quán mà với cả H.Tân Phú. Hạ tầng giao thông hạn chế khiến các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương cũng dè dặt hơn. Khi số lượng các nhà máy, xí nghiệp không đủ để đáp ứng nhu cầu việc làm, người dân phải tìm đến các địa phương trung tâm của tỉnh như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom...
Không riêng Quốc lộ 20 mà Quốc lộ 51 cũng là tuyến đường có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Trước đây chỉ kẹt xe vào những ngày lễ, tết, cuối tuần thì hiện nay ngày thường cũng kẹt xe, đặc biệt là tại các trạm thu phí, khiến công tác giải quyết ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trở nên phức tạp hơn.
Ùn tắc giao thông đoạn giao với đường chuyên dùng vào mỏ đá Tân Cang
Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC, đơn vị đang thu phí tuyến Quốc lộ 51) Đinh Hồng Hà cho biết, tuyến Quốc lộ 51 được thiết kế với lưu lượng xe bình quân 10 ngàn lượt/ngày đêm, nhưng đến nay lưu lượng xe bình quân đã lên đến hơn 40 ngàn lượt/ngày đêm.
Theo số liệu thống kê của BVEC, vào những ngày cao điểm trong tháng 4/2022, lượng xe qua các trạm thu phí trên tuyến ghi nhận rất đông, lưu lượng bình quân đạt khoảng 43 ngàn lượt xe/ngày đêm, tăng khoảng 11 ngàn lượt xe so với ngày thường. Bình quân công suất hiện đã gấp 3 lần công suất thiết kế ban đầu. Vào các nghỉ lễ, tết, khi phương tiện tăng cao, đơn vị nhiều lần xả các làn thu phí mới có thể đảm bảo lưu thông ổn định.
Bất an với làn xe hỗn hợp
Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Đồng Nai cũng là tuyến đường huyết mạch, đi qua nhiều đô thị, dọc đường còn có nhiều khu công nghiệp nên lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này rất lớn. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai lên đến 40-50 ngàn xe/ngày đêm, trong khi mặt đường quốc lộ hiện tại rất hẹp, mỗi bên chỉ có 1 làn xe ô tô và 1 làn hỗn hợp, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện.
Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho hay, Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện là trục đường quan trọng, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và Đồng Nai nhưng nhiều năm qua kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ 1 qua địa bàn huyện chưa đảm bảo. Do đó, cần xem xét mở rộng làn đường dành riêng cho xe 2 bánh, trong đó ưu tiên mở rộng khu vực dừng chờ trước các nút giao cắt.
Trước đây, trong quá trình nâng cấp Quốc lộ 1, Bộ GTVT chỉ cải tạo nền mặt đường, còn bề rộng đường vẫn giữ như cũ. Đến đầu năm 2015, dự án hoàn thành và được đưa vào sử dụng với mỗi chiều gồm 1 làn xe ô tô, 1 làn xe 2 bánh. Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra quy định cho phép các phương tiện được lưu thông hỗn hợp trên làn xe sát mép đường đối với các đoạn có dải phân cách giữa được lắp đặt biển báo phân làn.
Tuy nhiên, qua thời gian khai thác kết hợp theo dõi tình hình trật tự giao thông trên tuyến cho thấy làn xe các phương tiện được lưu thông hỗn hợp rất mất an toàn và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người giữa xe ô tô (chủ yếu xe khách, xe tải) với xe máy.
Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa, thượng tá Lê Thanh Sơn cho hay, thực tế lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ tăng cao từng ngày. Hạ tầng không đảm bảo đã ảnh hưởng đến vấn đề lưu thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Điều đáng nói, mặt đường ở đây chật hẹp, xe cộ từ các hướng đổ về nhiều khiến các loại phương tiện như: xe máy, xe đạp và người đi bộ rất khó khăn để có thể qua đường.
Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến lưu thông như: ngập nước gây kẹt xe, hằn lún mặt đường, hệ thống đèn chiếu sáng hư hỏng, không được khắc phục. Trong thời gian qua, trên địa bàn chủ yếu xảy ra tai nạn giao thông ở các quốc lộ, ảnh hưởng chung đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của địa phương./.