Lãnh đạo huyện Trấn Yên kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trên tỉnh lộ 166
Trong đó, mưa lớn đã làm ngầm Phúc An, tuyến Yên Thế - Vĩnh Kiên, ngầm tràn Km 19+350 tuyến Khánh Hòa - Minh Xuân ngập sâu gây tắc đường. Tại thành phố Yên Bái có 4 điểm sạt lở taluy dương ở xã Minh Bảo, xã Tân Thịnh, với khối lượng 103m3, sạt lở làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, tại các địa phương, mưa lớn cũng làm sạt lở taluy và gây ngập úng cục bộ làm các phương tiện giao thông không đi lại được…
Trước tình hình đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương khắc phục, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, điểm sạt lở, ngập úng.
Ông Đỗ Nhân Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: "Ngay sau khi xảy ra sự cố gây ách tắc giao thông, Sở chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị thi công hướng dẫn phân luồng, đặt biển báo ở hai đầu tuyến thông báo, cảnh báo nguy hiểm và thực hiện ngay công tác đảm bảo giao thông bước 1 (hót sụt taluy dương, dọn dẹp cây đổ) để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; trường hợp thời gian đảm bảo giao thông bước 1 kéo dài sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Đối với các vị trí sạt taluy âm, hư hỏng nền, mặt đường, hư hỏng công trình thoát nước... chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương tổ chức thi công đảm bảo thông tuyến trong thời gian ngắn nhất”.
Tại huyện Trấn Yên, đợt mưa bão kéo dài trong những ngày qua đã khiến tuyến đường tại xã Quy Mông bị sạt lở taluy âm với chiều dài khoảng 30m, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tuyến tỉnh lộ 166; tại xã Bảo Hưng sạt lở 2 điểm trên đường giao thông thôn Đồng Quýt và thôn Ngòi Đong; tại xã Tân Đồng mưa lớn làm ngập 5 ngầm tràn, các phương tiện không đi lại được; tại thị trấn Cổ Phúc có 2 đoạn đường bị ngập úng; tuyến đường Cổ Phúc - Hòa Cuông có 7 điểm bị sạt lở, khối lượng 180m3; tuyến đường Hòa Cuông - Minh Quán có 1 điểm sạt, khối lượng 700m3…
Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: "Huyện Trấn Yên đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức thực hiện; bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ”.
Huyện cũng tăng cường củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo nhằm đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành kế hoạch tu bổ, nâng cấp hệ thống đê bao...”.
Được biết, trước mùa mưa bão năm nay, các ngành chức năng, địa phương đã xây dựng và dự kiến các tuyến đường có khả năng bị sụt sạt, ngập úng gây ách tắc giao thông; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, máy móc, nhân công tại các vị trí xung yếu trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để sẵn sàng xử lý khi có sự cố bão, lũ xảy ra, đảm bảo giao thông kịp thời; xây dựng phương án phân luồng giao thông trong trường hợp bị mất đường, ách tắc giao thông trong thời gian dài; thường xuyên khơi thông cống rãnh, phát quang thượng, hạ lưu cầu cống đảm bảo phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thoát nước; bổ sung biển báo hiệu tại các vị trí có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất...
Với sự chủ động, linh hoạt của ngành chức năng và các địa phương nên nhiều điểm ngập lụt, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông thời gian qua đều được cảnh báo, xử lý, khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và thông suốt trên các tuyến đường.
Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình nhiều đồi núi, độ dốc lớn trong khi lượng mưa trung bình hàng năm lớn nên những thiệt hại do mưa lũ gây ra hàng năm, nhất là thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông. Do đó, thời gian tới, ngành GTVT và các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý các tuyến đường, tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống, xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ… báo cáo kịp thời các vị trí hư hỏng, các vị trí cần gia cố để có biện pháp xử lý khắc phục trước mỗi dịp mưa lũ.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý đường bộ cần thường xuyên tuần tra, xây dựng phương án, sẵn sàng máy móc, phương tiện, nhân lực để xử lý kịp thời khi có thiên tai xảy ra.