Tin từ Cục Hàng hải VN, cơ quan này đang trong giai đoạn rà soát các thông số kỹ thuật cho phù hợp để thiết lập tuyến luồng Vạn Gia (Quảng Ninh) trước khi lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với thiết kế của luồng.
"Có thể việc đầu tư sẽ bằng hình thức xã hội hóa hoặc bằng ngân sách Nhà nước nếu điều kiện cho phép", đại diện Cục Hàng hải VN cho hay.
Phối cảnh dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh. Ảnh: Portcoast
Trước đó, Bộ GTVT đã có Công văn chấp thuận chủ trương thiết lập tuyến luồng hàng hải Vạn Gia tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT.
Bộ GTVT nhận định, việc thiết lập tuyến luồng hàng hải Vạn Gia tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn để phục vụ bến cảng Vạn Ninh, Vạn Gia theo quy hoạch cảng biển được Thủ tướng phê duyệt nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực là cần thiết.
Do đó, Bộ chấp thuận chủ trương thiết lập tuyến luồng hàng hải Vạn Gia tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn theo quy định như đề xuất của Cục Hàng hải VN.
Đồng thời, Bộ cũng giao Cục Hàng hải VN xác định cụ thể các thông số của tuyến luồng để tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT, đề xuất hình thức đầu tư theo quy định.
Trên cơ sở báo cáo của Cục Hàng hải VN, giao Vụ Kết cấu hạ tầng, Vụ tài chính, Vụ Quản lý doanh nghiệp theo thẩm quyền tham mưu Bộ GTVT xem xét, giải quyết theo quy định.
Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thiết lập tuyến luồng hàng hải Vạn Gia
tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT
Hồi tháng 4, Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh có công văn gửi Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh và Cục Hàng hải VN đề xuất thực hiện Dự án nâng cấp luồng hàng hải Vạn Gia tiếp nhận tàu có trọng tải 20.000 DWT, gồm: Luồng hàng hải Vạn Gia, sắp xếp lại các điểm neo đậu tàu hiện hữu, vùng đón trả hoa tiêu, neo chờ và kiểm dịch.
Nguồn kinh phí thực hiện dự án sẽ do chủ đầu tư chi trả. Vật liệu nạo vét sẽ được tận dụng để san lấp mặt bằng bến cảng.
Theo Giám đốc Vũ Minh Tuấn, luồng hàng hải Vạn Gia hiện có chiều dài 9,5km từ vị trí cảng ra đến cửa Tán (luồng Vĩnh Thực), chiều rộng luồng 120m. Trên toàn tuyến luồng, hầu hết độ sâu tự nhiên đạt - 9m đến -13m. Riêng đoạn luồng từ phao P1 (đầu luồng) kéo dài vào phía trong (đến khu vực phao P5A) dài khoảng 2,3km với độ sâu đạt từ -6 đến -9,5m.
Từ phao P1 ra phía ngoài biển đạt 1,15km, là đường biển có đường đẳng sâu -9,5m trở lên.
Để có thể đáp ứng được cho tàu có trọng tải 20.000 DWT hành hải, bề rộng luồng 120m như hiện nay là đủ, nhưng độ sâu luồng đoạn từ phao P5A trở vào cần đạt -9m, tổng chiều dài tuyến luồng dự kiến 10,3km. Do đó, cần phải nghiên cứu, nạo vét luồng hiện hữu để đảm bảo mục tiêu dự án.