Người dân nông thôn chấp hành nghiêm khi tham gia giao thông
Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2021, lực lượng công an toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về tác hại của rượu, bia 187 cuộc, có 26.451 người tham dự. Tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, chiếu phim về sử dụng rượu, bia gây TNGT 136.150 phút. Tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, mô tô, loa kéo 1.601 cuộc. Tuyên truyền, giáo dục cá biệt, cho viết cam kết 11.269 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Phát 63.218 tờ rơi tuyên truyền và cẩm nang lái xe an toàn. Tổ chức hội thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại chủ đề vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông 5 cuộc, có 8.673 người tham dự. Xây dựng 14 phóng sự, treo 34 băng rôn, áp phích, 56 pa nô tuyên truyền. Gửi 3.458 tin nhắn cho người dân biết về các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng tiểu phẩm biểu diễn văn nghệ về phòng chống tác hại của rượu, bia. Thực hiện tốt quy định không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, đưa nội dung này vào nội quy, quy chế của cơ quan và tổ chức giám sát việc thực hiện. Sở Công Thương phổ biến tuyên truyền pháp luật 4 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm; 9 lớp tập huấn phổ biến văn bản pháp luật về kinh doanh rượu. Soạn thảo và phát hành 6 ngàn tờ rơi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với chủ đề “Những vấn đề cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu thủ công, kinh doanh rượu nhỏ lẻ”.
Đã triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng rượu, bia đến người điều khiển phương tiện giao thông. Công an tỉnh thành lập và tổ chức 28 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia với 162 lượt, phát hiện 89 trường hợp vi phạm. Phòng Cảnh sát môi trường triển khai, thực hiện mô hình “Dân vận khéo” tại huyện Ba Tri với chủ đề kép “Phối hợp tuyên truyền hướng dẫn xây dựng Hợp tác xã rượu nếp truyền thống Phú Lễ sản xuất và kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường”. Tăng cường tuần tra, kiểm soát với các hành vi nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy, nồng độ cồn. Ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương. Bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy.
Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật và kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia vẫn còn xảy ra phổ biến trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, theo số liệu của Công an tỉnh, tình hình TNGT đường bộ và đường thủy trên địa bàn tỉnh xảy ra 150 vụ, làm chết 121 người, bị thương 53 người, thiệt hại tài sản 388,8 triệu đồng. So với năm 2020, TNGT xảy ra 150/222 vụ (giảm 72 vụ), làm chết 121/185người (giảm 64 người), bị thương 53/94 người (giảm 41 người). Trong 150 vụ TNGT có 36 vụ liên quan tới rượu, bia.
Trong thời gian tới, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí phòng chống tác hại rượu, bia. Có quy định quản lý phù hợp về lượng tối đa rượu, bia và đồ uống có cồn khác được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ. Không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác cho người có biểu hiện say rượu, bia và đồ uống có cồn khác, người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai. Hạn chế bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại một số thời điểm thích hợp trong ngày.
Toàn tỉnh có 1 cơ sở sản xuất bia; hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đa số là hình thức sản xuất, kinh doanh theo dạng hộ gia đình. Trong đó, 1 đơn vị sản xuất rượu công nghiệp do Bộ Công Thương cấp giấy phép với quy mô sản xuất 4,2 triệu lít/năm; 8 đơn vị sản xuất rượu được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.