Giao thông đường thủy - còn đó những mối lo
Bắc Ninh hiện có 3 tuyến sông đi qua với tổng chiều dài gần 130km. Trong đó, tuyến sông Cầu (từ ngã ba sông Cà Lồ đi Phả Lại) dài nhất với khoảng 70km; tuyến sông Đuống (từ Tri Phương đi Phả Lại) dài gần 40km; tuyến sông Thái Bình (từ Phả Lại đi Lai Hạ) dài khoảng 20km. Toàn tuyến có 38 bến đò ngang sông, 5 cảng, 84 bến bãi tập kết nguyên vật liệu và có 600 hộ nuôi trồng thuỷ sản với 1.600 lồng nuôi cá. Cùng với đó là hàng trăm tầu, thuyền hoạt động tấp nập ngày đêm. Vì thế việc bảo đảm TTATGT trên tuyến giao thông ĐTNĐ, đặc biệt trong mùa mưa bão luôn là vấn đề cấp bách, được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm, chỉ đạo.
Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) tặng áo phao cho chủ bến đò Đại Lai - Đào Viên.
Trước mỗi mùa mưa bão, các lực lượng chức năng như: Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải), Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh), Đoạn Quản lý Đường thủy Nội địa số 4 và các địa phương có tuyến sông chảy qua đều tích cực, chủ động phối hợp kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng từng khu vực, đoạn sông để nắm bắt và kịp thời xử lý những bất cập, thiếu sót.
Qua thực tế kiểm tra, rà soát trên các tuyến sông, ông Phạm Hồng Minh, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý Đường thủy Nội địa (QLĐTNĐ) số 4 đưa ra nhận định: Hiện, trên cả 3 tuyến sông chảy qua địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số bất cập, thiếu sót về tổ chức giao thông cần sớm khắc phục. Điển hình như trên một số đoạn của sông Cầu, tắc luồng chạy tàu chỉ cho phép các phương tiện có mớn nước đến 1,5m, nhưng thực tế, rất nhiều phương tiện có mớn nước trên 2,0m đi lại nên những lúc nước xuống thấp gây ách tắc làm cản trở giao thông. Đoạn cầu Hồ (sông Đuống) do kết cấu lòng sông hẹp (nút cổ chai), hai bên đều được kè đá nên mỗi khi nước dâng cao sẽ khiến dòng chảy xiết, tạo ra những vùng xoáy ngầm. Vì thế khi các tầu thuyền qua lại nếu không có kinh nghiệm rất dễ đâm, va chạm vào trụ cầu, hay va vào nhau. Còn tại gầm cầu Thị Cầu (sông Cầu) lại có khoảng không tĩnh giữa mặt nước và gầm cầu quá thấp, khi nước dâng cao sẽ khiến một số tầu thuyền trọng tải lớn không thể qua lại được. Nếu không được cảnh báo sớm, các tầu thuyền khi qua đây rất dễ gây TNGT…
Mặt khác, việc quản lý và quy hoạch các bến bãi vật liệu xây dựng, các khu vực khai thác cát, sỏi của các địa phương còn nhiều bất cập; phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, đậu đỗ lấn chiếm luồng chạy tàu cũng như đặt lồng thả cá dưới lòng sông còn diễn ra khá phổ biến… Điều này không chỉ gây cản trở giao thông, tăng nguy cơ tai nạn mà còn phá vỡ quy luật của dòng chảy, gây sạt lở, đổ, gãy mất báo hiệu và gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng cũng nhận thấy trên cả 3 tuyến sông vẫn còn phương tiện kém chất lượng, thiếu trang thiết bị an toàn (cứu sinh, cứu đắm, phòng chống cháy nổ)... thậm chí người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn (CCCM), không đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn tham gia điều khiển phương tiện, dẫn đến mất an toàn về giao thông ĐTNĐ…
Chủ động phòng ngừa, tăng cường giải pháp
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vụ TNGT trên tuyến giao thông ĐTNĐ, nhất là khi mùa mưa bão sắp tới, các lực lượng chức năng của tỉnh đều chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả nhiều biện pháp, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông ĐTNĐ; tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức của chủ phương tiện cũng như người dân đối với việc chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT tuyến giao thông ĐTNĐ. Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh) cho hay: Nhằm bảo đảm TTATGT trên tuyến giao thông ĐTNĐ, Đội Cảnh sát đường thủy đã tăng cường nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình để chủ động tham mưu, đề xuất cấp trên đưa ra các chủ trương giải quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm những vấn để mới, phức tạp. Ngoài ra, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông ĐTNĐ với các hình thức, nội dung phong phú, phù hợp từng đối tượng; phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương khảo sát, khắc phục những bất cập về tổ chức giao thông, những điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến ĐTNĐ; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Để công tác bảo đảm TTATGT- ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, nhất là trong mùa mưa bão có hiệu quả, theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh thì ngoài việc tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức về phòng chống bão lũ, Luật Giao thông ĐTNĐ tới mọi tầng lớp nhân dân. Các trạm Quản lý ĐTNĐ cần chủ động nắm vững luồng lạch, điều chỉnh báo hiệu cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là tại các khu vực giao thông trọng điểm, các cầu vượt sông xung yếu như cầu Thị Cầu, cầu Như Nguyệt và cầu Hồ…
Từ đầu năm đến nay, Đội Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuyên truyền Luật giao thông ĐTNĐ cho 9.470 lượt phương tiện; tổ chức 1.580 ca tuần tra kiểm soát, với 4.740 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia; tiến hành kiểm tra 2.030 trường hợp, nhắc nhở 1.888 trường hợp, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 142 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 300 triệu đồng.
Đối với công tác bảo đảm an toàn tại các bến đò ngang thì lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp với các địa phương thường xuyên phân công lực lượng tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở và rà soát, kiểm tra hoạt động tại các bến đò trên địa bàn. Đặc biệt, đẩy mạnh Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” nhằm từng bước xây dựng đội ngũ những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ có trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa. Tổ chức ký cam kết yêu cầu các chủ bến, chủ đò sơn sửa, chỉnh trang nâng cao chất lượng phương tiện; thay thế và bổ sung đủ cơ số áo phao và phao cứu sinh, cứu nạn khác; gia cố lại đường lên xuống bến. Nghiêm cấm các đò hoạt động khi có bão lũ, đồng thời yêu cầu chủ đò giảm 25% lượng khách trên mỗi chuyến đò trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông, Đội Cảnh sát đường thủy thường xuyên tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Những bến nào không bảo đảm an toàn như đường lên xuống bến lầy lội, người lái đò không có CCCM, phương tiện cũ nát, không đăng ký hoặc đăng kiểm, lực lượng chức năng cần kiên quyết lập biên bản đình chỉ hoạt động.
Với nhiều giải pháp đã và đang được lực lượng chức năng chủ động triển khai, đồng bộ, quyết liệt, tin rằng tình hình trật tự ATGT trên cả 3 tuyến sông trong mùa mưa bão này sẽ tiếp tục được bảo đảm an toàn, thông suốt./.