Thảm nhựa gia cố mặt đường QL279.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 4 tuyến cao tốc, trong đó 2 tuyến Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn đã đưa vào khai thác từ năm 2018; 2 tuyến cao tốc còn lại là Vân Đồn - Tiên Yên và Tiên Yên - Móng Cái đang thi công các hạng mục cuối để sẵn sàng đưa vào khai thác trong năm nay. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 7 tuyến quốc lộ và 20 tuyến đường tỉnh với chiều dài hơn 1.000km; 18 luồng, tuyến đường thủy nội địa hơn 300km, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, rộng khắp, kết nối hầu hết các địa phương trong tỉnh. Với hệ thống hạ tầng giao thông đồ sộ như vậy, Quảng Ninh được Bộ GTVT đánh giá là tỉnh có hạ tầng giao thông đồng bộ nhất miền Bắc.
Tuy nhiên, Quảng Ninh là địa phương có địa hình tương đối phức tạp, trải dài với nhiều đồi núi và sông suối, khá nhiều tuyến đường, kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp do thời gian dài sử dụng kéo dài, lưu lượng xe lớn, thời tiết diễn biến phức tạp... dẫn đến có nhiều vị trí không còn phù hợp với mật độ giao thông, trở thành “điểm đen”, ngập lụt khi mưa bão, tắc nghẽn cục bộ và gián đoạn, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện qua tuyến.
Từ thực tế đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT, để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trên các cung đường, đáp ứng nhu cầu giao thương, thu hút các nhà đầu tư chiến lược về địa bàn, ngành GTVT Quảng Ninh luôn xác định công tác bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Theo đó, với phương châm “không sửa chữa bảo trì theo lối manh mún, hỏng đâu sửa đó”, mà đẩy mạnh công tác rà soát, dự báo hư hỏng; riêng công tác khắc phục sửa chữa thực hiện xử lý tận gốc, đảm bảo tuổi thọ công trình sử dụng được từ 3 đến 5 năm với hiệu quả tương đương như làm mới...
Cùng với đó, Sở cũng thường xuyên điều chỉnh kịp thời các bất cập kết cấu hạ tầng hiện có, sử dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm gia cố nâng cao tuổi thọ, chất lượng công trình. Cụ thể như: Áp dụng công nghệ vật liệu Rhinophalt, phủ Ceramic để thay thế công nghệ sơn vạch kẻ đường tại các khu vực điểm đen; sử dụng cột hộ lan hình Z để tăng khả năng ATGT, tái sinh nóng tại chỗ để vá sửa hư hỏng cục bộ. Các giải pháp góp phần kéo dài thời gian khai thác công trình kết cấu hạ tầng, tiết kiệm chi phí sửa chữa.
Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả trong tổ chức thực hiện, Sở đã thực hiện các thủ tục xây dựng cơ bản theo quy định, đặc biệt trong đó là áp dụng đấu thầu qua mạng. Hình thức này không chỉ rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực về thời gian, nhân lực và chi phí, mà còn góp phần loại bỏ các hành vi tiêu cực, mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp và cộng đồng, phát huy tính tự chủ, tự tin của doanh nghiệp, cũng như tạo cơ hội cho họ một cách bình đẳng. Trong quá trình triển khai, để đảm bảo thời gian, chất lượng công trình, ngay từ giai đoạn thương thảo hợp đồng, các đơn vị chuyên môn thuộc sở đã yêu cầu nhà thầu lập biểu đồ tiến độ thi công chi tiết và giao tư vấn giám sát thường trú tại hiện trường có trách nhiệm giám sát chất lượng công trình, thực hiện cam kết tiến độ của các nhà thầu.
Lãnh đạo Sở cũng thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất về chất lượng, tiến độ để nắm bắt tình hình triển khai thực tế tại hiện trường và những vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ. Đối với các công trình có nguy cơ chậm tiến độ, Sở đều yêu cầu nhà thầu đăng ký lại tiến độ thi công chi tiết, huy động tăng cường thêm thiết bị, nhân lực để bù tiến độ chậm trước đó, đảm bảo bám sát kế hoạch.
Trong 5 năm qua, Sở đã thực hiện sửa chữa cải tạo được hơn 500km đường quốc lộ, tỉnh lộ, vá sửa gần 2 triệu m2 mặt đường; thực hiện điều chỉnh, thay thế, bổ sung gần 3.000 biển báo các loại; bổ sung hơn 20.000m2 sơn kẻ mặt đường, thay thế hơn 30.000m dài hộ lan; xử lý hàng chục điểm đen trên các tuyến đường... Riêng từ năm 2020 đến nay, Sở đã triển khai trên 30 dự án với tổng giá trị các gói thầu gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu ít hơn dự toán, đã tiết kiệm cho ngân sách được gần 10 tỷ đồng; tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng đạt 100%.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác bảo trì, sửa chữa, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như bão, lụt gây sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu các công trình hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở GTVT đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ” “3 sẵn sàng”, nghiêm túc triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, đảm bảo sát với từng thời điểm và thực tế địa bàn, với phương châm lấy phòng là chính nhờ đó đã luôn kịp thời khắc phục, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, luôn bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Trong 5 năm qua, đã thực hiện khắc phục trên các tuyến đường bộ khoảng 1.200 vị trí sạt lở, bổ sung 2.500 rọ đá và xây dựng bổ sung cống thoát nước ngang, rãnh dọc thoát nước; các tuyến đường thủy thay mới, sửa chữa phao, cột báo hiệu đường thủy.
Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp kịp thời các tuyến đường không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân mà còn góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ và khả năng khai thác của các tuyến đường đảm bảo cầu đường thuận lợi, an toàn.