Có thể thấy những gói đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của tỉnh, ngành dành cho Cô Tô đã giúp huyện đảo tiền tiêu có những tuyến đường trục chính, xuyên thị trấn, xuyên đảo, kết nối các đơn vị hành chính cấp xã của huyện với nhau.
Gần đây, nguồn vốn dành để đầu tư phát triển kinh tế du lịch, nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM tiếp tục giúp Cô Tô nâng cấp, bổ sung mới những tuyến đường “xương cá” tới các thôn, xóm, các điểm danh lam thắng cảnh, núi non, bãi biển, các vùng canh tác nông nghiệp. Đây chính là điều kiện để các mô hình kinh tế du lịch Cô Tô hiện đại hơn, mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển hơn, thu nhập của người dân cao hơn, bộ mặt nông thôn Cô Tô đổi mới, tươi đẹp hơn.
Tuyến đường thị trấn Cô Tô nối với xã Đồng Tiến tiếp tục được nâng cấp để tăng tính bền vững.
Tuyến đường có điểm đầu tại khu vực tượng đài Bác Hồ (thị trấn Cô Tô) kéo dài đến khu vực Bắc Vàn (xã Đồng Tiến) được đưa vào sử dụng từ năm 2018. Đến nay không chỉ phát huy tính kết nối giữa thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến, mà còn mở ra cơ hội phát triển dịch vụ cho người dân bám tuyến đường, hình thành khu dân cư làm du lịch mà vốn trước đây chỉ chuyên nghề chài lưới, canh nông, góp phần đảm bảo hơn về công tác quân sự quốc phòng đối với các vị trí quan trọng.
Anh Nguyễn Quang Hải (người dân xã Đồng Tiến) phấn khởi cho biết: Tuyến đường từ thị trấn về xã Đồng Tiến là tuyến đường dài trên đảo, hoạt động giao thông phụ thuộc vào tuyến đường này rất nhiều. Hiện nay đường được mở rộng, bền vững hơn nhiều so với trước, từ đó giúp mọi hoạt động của người dân thêm thuận lợi hơn, khuyến khích, kích thích tính sáng tạo, tinh thần phát triển kinh tế của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân được hưởng lợi từ tuyến đường.
Trên cơ sở tuyến đường trục chính thị trấn Cô Tô - Đồng Tiến, trên địa bàn xã Đồng Tiến thời gian qua cũng phát triển một số tuyến đường kết nối tuyến đường chính này đến các thôn, đặc biệt là những thôn đang chuyển dịch mạnh sang kinh tế du lịch dịch vụ. Thôn Hồng Hải hiện nay có gần 60 hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi phục vụ du khách, trong đó điểm nhấn là trung tâm homestay với cả trăm phòng nghỉ tiêu chuẩn, được thiết kế tươi trẻ, tiện ích, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên và lối sống con người bản địa, tạo ra sức hút riêng cho Hồng Hải.
Chị Trần Thị Minh (thôn Hồng Hải) cho biết: Các tuyến đường giao thông nối thôn với xã, xã với thị trấn, với trung tâm huyện chính là lực đẩy cho người dân Hồng Hải làm du lịch. Tới đây, nếu đường được nâng cấp đến từng xóm, thậm chí đến từng hộ dân thì làng du lịch Hồng Hải sẽ còn có cơ hội phát triển hơn.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ đời sống dân sinh, cũng như phát triển KT-XH, hiện nay huyện Cô Tô đang nâng cấp mở rộng, tăng tính bền vững một số tuyến đường. Tiêu biểu như tuyến đường trục chính thị trấn Cô Tô - Đồng Tiến, tuyến từ cầu cảng Cô Tô đến Trung tâm Y tế thị trấn, đường kết nối các thôn tại xã Đồng Tiến, Thanh Lân. Được biết tới đây, trong chiến lược phát triển KT-XH của huyện, Cô Tô đã và đang quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để hình thành tuyến đường phía Đông, phía Tây, tạo tính kết nối xung quanh huyện.
Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường - Nông nghiệp huyện Cô Tô, cho biết: Tuyến đường phía Đông, phía Tây đảo Cô Tô là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của huyện về cả trước mắt và lâu dài. Khi được hình thành, tuyến đường này tạo ra dư địa phát triển lớn về phía biển cho Cô Tô, khẳng định hơn thế mạnh kinh tế biển, bao gồm du lịch biển đảo, cũng như nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Hơn hết, tuyến đường còn tăng cường củng cố QP-AN trên địa bàn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện.
Được biết hiện nay, trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình, huyện Cô Tô đang tích cực chuẩn bị các thủ tục hành chính cần thiết, cũng như không gian, mặt bằng, phương án giải tỏa để sẵn sàng phục vụ việc triển khai thi công tuyến đường khi hội đủ điều kiện.