Người dân “vô tư” băng qua đường ray tại vị trí giao cắt
giữa đường Nguyễn Thành Đồng với đường sắt
Vừa qua, đoàn công tác của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) do Cục trưởng Vũ Quang Khôi dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra một số khu vực có đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt tại Đồng Nai. Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã ghi nhận một số điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ tồn tại các bất cập kể cả trong nội thành Biên Hòa lẫn các vùng nông thôn.
Cụ thể, trên đường Phạm Văn Thuận (giáp ranh P.Tân Tiến, P.Trung Dũng và P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) dù rào chắn đã đóng nhưng người và phương tiện cố tình băng qua; hiện còn nhiều hộ dân buôn bán ngay bên trong phạm vi đường ngang. Hay tại khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) chưa kết nối tín hiệu đèn phòng vệ đường sắt với đèn tín hiệu giao thông đường bộ. Hoặc dọc theo tuyến đường sắt qua các xã: Suối Cao, Xuân Trường, Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) còn một số công trình nhà ở, trường rào trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt…
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay trong tháng 6/2022, các đơn vị ngành đường sắt phải rà soát toàn bộ hồ sơ để sớm thống nhất với địa phương cắm mốc ranh giới đất để bảo vệ hành lang an toàn. Các kiến nghị của địa phương, Cục sẽ xem xét và kiến nghị Bộ GTVT có chủ trương nâng cấp, cải tạo để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Thậm chí, ngay trên đoạn đường sắt không có đường ngang nhưng người dân vẫn “vô tư” băng ngang, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Gần nhất, vào sáng 8/6, trên tuyến đường sắt đi qua tổ 92, KP.13, P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) xảy ra vụ va chạm giữa người đi bộ và tàu hỏa khiến người đi bộ thiệt mạng. Được biết, vị trí này không có đường ngang lẫn rào chắn.
Theo Sở GTVT, trên toàn tỉnh có hàng chục đường ngang hợp pháp được bố trí gác chắn, cảnh báo tự động, cần chắn tự động. Đồng thời, hiện còn tồn tại 13 lối đi tự mở, trong đó có 10 lối đi đang được tổ chức cảnh giới tại TP.Biên Hòa (7 lối), H.Trảng Bom (2 lối) và H.Xuân Lộc (1 lối). Đa phần các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra tại các khu vực giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Chỉ tính trong năm 2021 xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 1 vụ, giảm 3 người bị thương.
Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn Nguyễn Đình Đảng cho biết thêm, việc đảm bảo an toàn trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt còn gặp nhiều hạn chế vì một số địa phương cấp huyện có dự án làm hầm chui, đường ngang, hàng rào, đường gom nhưng vẫn chưa triển khai. Một số địa phương cấp xã, huyện vẫn coi đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành đường sắt, chưa quan tâm sâu sát mặc dù đã có kế hoạch chung của cấp tỉnh, thành phố. Kinh phí làm việc với địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cho việc tổ chức khảo sát, điều tra, họp bàn thống nhất nội dung công việc rất hạn hẹp.
Xóa bỏ tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt
Để đảm bảo ATGT tại các lối đi tự mở, cơ quan chức năng đã bố trí các chốt cảnh giới tại 10 lối đi tự mở với kinh phí trợ cấp cho người cảnh giới từ 3-4 triệu đồng/tháng/người. Đồng thời, UBND các cấp đã xây dựng một số công trình nhà gác chốt và trang bị dụng cụ, phương tiện làm việc, sinh hoạt cho người gác chắn. Ngành đường sắt đã hỗ trợ một số dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác cảnh giới, phối hợp tập huấn công tác cho người cảnh giới. Ngành thông tin đường sắt đã lắp đặt điện thoại và hướng dẫn cách sử dụng cho các nhân viên gác chắn.
Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Bôn cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở đã phối hợp tuyên truyền, vận động và giải tỏa 85 trường hợp buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn. Phối hợp với các cơ quan của ngành đường sắt tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Đặc biệt là phối hợp với Công ty CP Đường sắt Sài Gòn lập biên bản đình chỉ thi công 7 trường hợp xây dựng vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn các xã: Suối Cao, Xuân Thọ (H.Xuân Lộc).
Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị Cục đường sắt Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua trên địa bàn tổ chức khảo sát thực tế, xác định hành lang bảo vệ và ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ cột thông tin tín hiệu đường sắt. Đồng thời, xây dựng đề án Tổ chức cắm mốc lộ giới hành lang ATGT đường sắt và phạm vi bảo vệ cột thông tin tín hiệu đường sắt. Sau khi hoàn thành bàn giao cho địa phương tiến hành quản lý, đảm bảo không để xảy ra hành vi lấn chiếm làm ảnh hưởng đến ATGT đường sắt.
Mặt khác, về phía các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, cơ quan chức năng cũng cam kết với Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam sẽ sớm giải quyết tình trạng buôn bán, xây dựng, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Nguyễn Thanh Phú cho biết, tại nơi giao cắt giữa đường sắt và đường Phạm Văn Thuận còn một hộ buôn bán hoa bên trong phạm vi rào chắn sẽ được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng làm việc; yêu cầu di dời, không buôn bán bên trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt nữa.