Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra một gói thầu (huyện Nhà Bè, TPHCM)
của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng và đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường tại Dự án Bến Lức - Long Thành, có chiều dài 57,8 km, đi qua tỉnh Long An (2,7 km), TPHCM (26,4 km) và tỉnh Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ADB, JICA.
Dự án có một đoạn dài khoảng 38 km (từ nút giao cao tốc TPHCM - Trung Lương đến đoạn nút giao Vành đai 3 TPHCM tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) sẽ kết hợp cùng đường Vành đai 3 TPHCM tạo thành vành đai hoàn chỉnh.
Dự án khởi công tháng 10/2014, trong quá trình thực hiện, dự án gặp vướng mắc về vốn đầu tư dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019.
Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đạt khoảng 78,96% (10.858 tỷ đồng/13.751 tỷ đồng tổng giá trị các hợp đồng).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra một gói thầu (huyện Cần Giuộc,Long An)
của Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh VGP/Đức Tuân
Ngoài ra, hiện còn vướng mặt bằng liên quan 18 hộ chưa được giải phóng mặt bằng, gồm: 17 hộ tại đoạn phía Tây thuộc địa phận huyện Bình Chánh, TPHCM và 1 hộ tại đoạn tuyến phía Đông thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Vướng mắc lớn nhất của dự án là nguồn vốn, hiện cơ bản được Chính phủ chỉ đạo xử lý. Vấn đề là cần sự nỗ lực, quyết tâm cao của chủ đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong việc tổ chức thực hiện, chủ động thu xếp nguồn lực.
Về giải phóng mặt bằng, số lượng các hộ còn lại chưa giải phóng còn ít. Các địa phương là TPHCM và Đồng Nai khẳng định sẽ hoàn thành xong trong tháng 7/2022.
Báo cáo tại cuộc họp, các địa phương cho biết, đã thúc đẩy triển khai các bước cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM, dự án vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp mới đây. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, được đánh giá là dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn nhất ở phía Nam từ trước đến nay.
Theo Bộ GTVT, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 652,86 km, được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km đã đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai.
Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6/2022 đạt khoảng 23.544,32/57.075,32 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022, sản lượng trung bình đạt 59,7% giá trị hợp đồng, chậm 1,7%. Với quyết tâm đưa 361 km thuộc 4 dự án thành phần hoàn thành đúng kế hoạch, thời gian qua, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các ban QLDA cắt chuyển khối lượng công việc của những nhà thầu yếu.
Bộ GTVT cho biết, một trong những khó khăn lớn đang cản tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam là diễn biến thất thường của thời tiết. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, năm 2021 trung bình có khoảng từ 133-155 ngày mưa. Từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình có khoảng 30-35 ngày mưa. Tính riêng từ tháng 4/2022 đến nay, mặc dù mùa khô nhưng đã có 26-30 ngày mưa.
Phó Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp- Ảnh VGP/Đức Tuân
Theo các ý kiến, dự án đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa phương, đặc biệt là tạo sự phấn khởi cho người dân và diện mạo mới đối với khu vực vùng sâu, vùng xa mà tuyến đường đi qua.
Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được đầu tư kết nối thông suốt toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau theo yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An đang thi công dở dang.
Theo Bộ GTVT, đến năm 2021, Dự án đường Hồ Chí Minh triển khai được khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỷ đồng.
Phấn đấu khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM vào tháng 6/2023
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, từ nay đến năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung mạnh vào phát triển hạ tầng giao thông, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339.000 tỷ đồng/89.000 tỷ đồng). Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần giai đoạn trước (1.932/487 km).
Phó Thủ tướng nghe các địa phương báo cáo tình hình triển khai các dự án giao thông - Ảnh VGP/Đức Tuân
Nhấn mạnh quyết tâm tập trung mạnh mẽ để đột phá hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 3 TPHCM, Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu cao nhất là đến năm 2025 thông tuyến cao tốc Bắc - Nam, thông tuyến đường Hồ Chí Minh.
"Đường cao tốc đầu tư đến đâu sẽ mở ra không gian mới, giúp các địa phương phát triển mạnh mẽ đến đó", Phó Thủ tướng nói và đánh giá cao nỗ lực của TPHCM, Đồng Nai, Long An đã chủ động triển khai các dự án hạ tầng giao thông.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho đường vành đai 3 TPHCM, triển khai đồng thời các bước chuẩn bị để trong vòng 1 năm, đến tháng 6/2023 có thể khởi công dự án.
Đối với dự án Bến Lức - Long Thành, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, cơ bản hình thành tuyến đường. Dự án bị chậm chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Do đó, để phát huy hiệu quả, cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, trước mắt là giải phóng để bàn giao dứt điểm mặt bằng. Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện còn một số ít hộ dân chưa được giải tỏa, các địa phương: TPHCM và Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm, hoàn thành trong tháng 7/2022.
Về xử lý các vướng mắc của dự án, giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng phương án tổng thể để thống nhất triển khai trên cả nước.