Đồng Nai: Lắng nghe, chia sẻ cùng doanh nghiệp vận tải

Thứ tư, 22/06/2022 16:19

Sở GTVT Đồng Nai vừa chủ trì tổ chức chương trình đối thoại với doanh nghiệp (DN), HTX vận tải năm 2022.

Phó giám đốc Sở GTVT Dương Mạnh Hưng phát biểu tại buổi đối thoại.

Phó giám đốc Sở GTVT Dương Mạnh Hưng cho biết, chương trình Đối thoại DN, HTX vận tải được Sở GTVT tổ chức thường niên kể từ năm 2013 đến nay. Đây là hoạt động thiết thực nhằm gặp gỡ, tiếp xúc DN, HTX vận tải để lắng nghe, nắm bắt những vướng mắc mà các đơn vị gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Lắng nghe và chia sẻ

Tại buổi đối thoại, nhiều DN, HTX có chung ý kiến thắc mắc về thời gian cấp phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT). Về vấn đề này, Trưởng phòng Vận tải phương tiện Sở GTVT Lê Văn Đức giải đáp, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT quy định rõ, phù hiệu cấp cho xe ô tô KDVT, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 7 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị KDVT (thời gian đề nghị trong khoảng từ 1-7 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.

Còn phù hiệu “xe tuyến cố định” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp lễ, Tết Dương lịch và các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày.

Cũng tại buổi đối thoại, trả lời kiến nghị của HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất và HTX Dịch vụ vận tải Xuân Lộc về xem xét lại việc thu phí xe buýt ra vào bến sao cho phù hợp với thực tiễn, ông Lê Văn Đức cho hay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc quy định cụ thể mức giá thu phí dịch vụ xe xuất bến.

Trên cơ sở đó, đơn vị vận tải và đơn vị quản lý bến xe sẽ làm việc, thỏa thuận với nhau để có hình thức thu phí sao cho phù hợp. Vì vậy, các đơn vị vận tải nên đến làm việc trực tiếp với đơn vị quản lý bến xe. Trong quá trình thực hiện tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc thì phản ánh đến Sở GTVT để tổng hợp và có sự hỗ trợ xử lý kịp thời.

Liên quan đến hoạt động của xe buýt, ông Dương Mạnh Hưng lưu ý: “Các đơn vị vận tải đã xây dựng phương án hoạt động thì phải áp dụng đúng theo phương án đó. Trong quá trình hoạt động, nếu thấy chưa phù hợp với thực tế thì đăng ký với cơ quan chức năng để xin điều chỉnh lại”.

Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thành Phúc (H.Long Thành) Nguyễn Tất Thành trình bày, việc quy định tài xế không được lái xe liên tục trong 4 giờ là chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, công ty giao nhân viên lái xe container vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu từ cảng Cát Lái đi qua các địa bàn: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 100km. Lái xe trên đường đi thường hay gặp tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe. Cho nên, việc quy định thời gian như trên chưa hợp lý và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Ông Thành đề nghị cơ quan chức năng cần xem xét trong trường hợp này.

Giải đáp kiến nghị của ông Thành, ông Lê Văn Đức cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong 1 ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Cơ quan chức năng trước khi ban hành quy định cũng đã nghiên cứu kỹ về thời gian làm việc cũng như thời gian nghỉ ngơi của người lái xe để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Do vậy, công ty cần phải xây dựng phương án kinh doanh sao cho phù hợp, hiệu quả và không vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Cùng trao đổi nội dung trên, ông Dương Mạnh Hưng cho hay: “Trước mắt, đơn vị vận tải phải chấp hành đúng theo quy định pháp luật. Sở GTVT sẽ ghi nhận và chuyển ý kiến đến cơ quan chức năng, Bộ GTVT để xem xét và có sự điều chỉnh quy định sao cho phù hợp với thực tiễn”.

Ngoài ra, các DN, HTX vận tải còn trao đổi nhiều ý kiến khác như: đề nghị được hỗ trợ kết nạp thành viên mới đối với các chủ phương tiện ở các tỉnh, thành khác; thủ tục thực hiện thanh lý hợp đồng giữa HTX vận tải với chủ phương tiện vận tải… Các ý kiến đã được lãnh đạo Sở GTVT tiếp nhận và giải đáp cặn kẽ cho các đơn vị nắm.

Triển khai các quy định mới sắp có hiệu lực

Tại buổi đối thoại, Sở GTVT còn dành thời gian để thông tin một số quy định mới theo lộ trình tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT để DN nắm bắt kịp thời và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Một số quy định mới của 2 nghị định, thông tư nói trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 như: trước khi xe xuất bến, DN, HTX KDVT khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (gồm: tên bến xe; tên DN, HTX vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT.

DN, HTX hoạt động KDVT hành khách bằng xe buýt phải cung cấp thông tin (gồm: tên DN, HTX vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe thông qua phần mềm của Bộ GTVT. Ngoài ra, từ ngày 1/7, trước khi thực hiện vận chuyển, đơn vị KDVT hàng hóa phải thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của giấy vận tải (giấy vận chuyển) qua phần mềm của Bộ GTVT.

Đơn vị KDVT phải lập, cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe thuộc đơn vị vào lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe. Kể từ ngày 1/7, việc cập nhật được thực hiện qua phần mềm quản lý hoạt động KDVT bằng xe ô tô của Bộ GTVT.

“Rất mong các DN, HTX vận tải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật trong thời gian tới, đừng để vi phạm và bị xử phạt thì sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị” - ông Dương Mạnh Hưng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:97765
Lượt truy cập: 176.660.622